Tả Phìn là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa, có những thời điểm tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 60%. Trong thời gian qua toàn xã đã dần thay da đổi thịt trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế xã hội của địa phương, không những thế còn được chọn là xã điểm trong chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Sa Pa giai đoạn 2016-2020. Để có kết quả đó, cây hoa địa lan đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu cây trồng của địa phương.

Hoa địa lan Sa Pa một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao

Cây hoa Địa lan Sa Pa ban đầu là cây tự nhiên mọc ở mỏm đá trong rừng được bà con mang về chơi vào dịp tết, sau này dần được yêu thích và trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Theo người dân bản địa, cây hoa Địa lan không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng có yêu cầu chặt chẽ về điều kiện khí hậu, thời tiết. Xã Tả Phìn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu ôn hòa rất thích hợp trồng giống hoa này. Để có một chậu hoa đẹp (từ 10 - 20 cành) phải mất thời gian chăm bón khoảng 3 - 4 năm. Hiện nay giá bán trung bình từ 2 đến 3 triệu đồng/chậu, nhiều chậu có giá trị 10 đến 20 triệu đồng tùy thuộc vào số bông trên chậu. Trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, giá thể (chậu) và công chăm sóc hết khoảng 400 đến 500 nghìn đồng/chậu, như vậy bình quân thu lãi được từ 1 đến 2 triệu đồng trên một chậu lan. Với hiệu quả kinh tế cao như vậy trên địa bàn toàn xã đã giấy lên phong trào trồng lan đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.

Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 500 hộ trong tổng số 636 hộ trồng hoa địa lan với khoảng 2 vạn chậu hoa địa lan. Hàng năm xã Tả Phìn cung cấp cho thị trường khoảng 70% số lượng hoa địa lan của Sa Pa trong dịp tết Nguyên đán. Tổng thu nhập từ cây hoa địa lan của toàn xã trong năm 2015 ước tính đạt trên 8 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Vàng A Chảo thôn Giàng Tra, ông Chang A Sà thôn Suối Thầu, hộ ông Lý Phù Trìu, ông Lý Phù Nhàn thôn Tả Chải… Nhiều hộ khác trong xã không những thoát nghèo mà còn xây được nhà, có tiền đầu tư cho con cái học hành và mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ cuộc sống như ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô...  

Ông Lý Phù Siệu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết việc trồng hoa địa lan hiện nay còn có một số khó khăn nhất định như việc trồng còn mang tính tự phát, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên dịch bệnh vẫn xảy ra, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà phải thông qua nhiều bước trung gian mới đến được với người tiêu dùng.

Vì vậy để sản xuất hoa địa lan bền vững, trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của xã Tả Phìn nói riêng và huyện Sa Pa nói chung cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế hỗ trợ vay vốn, nguồn giống sạch bệnh, xây dựng các mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao, thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, nhóm nông dân sở thích về trồng hoa địa lan và xây dựng thương hiệu “Hoa Địa lan Sa Pa” cũng như tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, liên kết thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Được như vậy chắc chắn sẽ có nhiều gia đình đi lên làm giàu từ cây hoa địa lan./.

Phạm Quốc Hoàn

Xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai