Tại Hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Điện Biên đã đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, bộ mặt nông thôn Điện Biên đã đổi mới rõ nét, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Trình độ, năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp của địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, trách nhiệm ngày càng cao và gắn bó hơn với công việc. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG các cấp trong việc triển khai thực hiện Chương trình, tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2020.

Tinh thần tự lực của một số địa phương được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, lan tỏa ra toàn tỉnh. Điều này thể hiện xây dựng nông thôn mới có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung ở một vài xã có điều kiện thuận lợi.

Việc thực hiện Đề án đặc thù tại Quyết định 1573/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016-2020 đã góp phần xây dựng nông thôn mới thành công ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới.

Kết quả đến hết ngày 30/6/2019, đã công nhận 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 18 xã đạt chuẩn và 04 xã cơ bản đạt chuẩn), vượt chỉ tiêu 15 xã (Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 giai đoạn 2016-2020 là 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới); Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 19%, đạt 62,85% so với mục tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh đề ra; Bình quân đạt 9,8 tiêu chí/xã, tăng 8,4 tiêu chí so với năm 2011, tăng 4,3 tiêu chí so với năm 2015; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 18,5 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã của tỉnh; Duy trì và giữ vững các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Hoàn thiện các tiêu chí của các xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Phấn đấu đến hết năm 2020, có 35 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 1-2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đạt 18,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 37%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,8%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98%; mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu có 02 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu và có 01 sản phẩm OCOP trở lên. Trong đó đặc biệt tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, bản; phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế, yếu kém; khơi dậy những tiềm năng, lợi thế phát triển, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ nhất là ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ và tính chủ động thực hiện Chương trình của nhân dân; huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương để tạo động lực phát triển, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến 2025. Xây dựng nông thôn mới bền vững, từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; phát triển nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; giữ gìn và phát huy văn hóa, bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên