Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam, năm 2017 huyện Duy Tiên là một trong 2 huyện (Duy Tiên, Kim Bảng) sẽ làm điểm đạt chuẩn về đích xây dựng nông thôn mới. Thuận lợi của huyện Duy Tiên là làm điểm xây dựng trong lúc phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã lan rộng ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, trở thành sức mạnh quan trọng hướng tới mục tiêu các huyện của tỉnh sẽ xây dựng và đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Để xây dựng huyện NTM đạt hiệu quả, huyện Duy Tiên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân, chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện chú trọng công tác phối hợp thực hiện, huy động sức mạnh tổng hợp, mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện đảm bảo công tác chỉ đạo được thông suốt, hiệu quả đúng quy định; Quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, hiệu quả; Ban hành cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các xã xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Duy Tiên, đến nay 100% (16/16) số xã đạt chuẩn nông thôn mới và số tiêu chí huyện nông thôn mới cũng đạt 100% theo quy định. Để về đích đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Duy Tiên không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới và đạt đủ 9 tiêu chí, gồm: quy hoạch; giao thông; thuỷ lợi; điện; y tế - văn hoá - giáo dục; sản xuất; môi trường; an ninh - trật tự xã hội; chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Kết quả chủ yếu của các tiêu chí:

Tiêu chí quy hoạch đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch toàn bộ diện tích huyện Duy Tiên, trong đó, quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 gồm các khu, cụm công nghiệp, phân khu chức năng đô thị với diện tích 1.700 ha. Đang thực hiện quy hoạch 02 khu với diện tích 820 ha. Triển khai quy hoạch của 9 đơn vị thành lập phường của thị xã với diện tích 4.500 ha; Quy hoạch chi tiết 1/500 của 18 khu đô thị, với tổng diện tích 342 ha. Triển khai quy hoạch 05 khu, với tổng diện tích 370 ha. Huyện Duy Tiên đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV tại Quyết định số 1358/QĐ-BXD ngày 29/12/2017; định hướng phát triển huyện Duy Tiên trở thành thị xã Duy Tiên trước năm 2020.

Giao thông thuận lợi, đường bộ có cao tốc, đường quốc lộ đi qua địa phận huyện Duy Tiên gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 61,65 km. Tổng đường huyện quản lý có 15 tuyến với tổng chiều là 61,61 km, tạo thuận tiện cho việc kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch.

Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch. Có 5 tuyến đê với tổng chiều dài là 61,9 km và 83 cống dưới đê, mặt đê được bê tông, nhựa hóa và được kết hợp làm đường giao thông đảm bảo phù hợp với quy hoạch thủy lợi của tỉnh Hà Nam. Khai thác vận hành hệ thống thủy lợi đúng kế hoạch được duyệt, đảm bảo điều hoà phân phối nước, tiêu nước công bằng, hợp lý.

Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng 3, Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia, công tác dự phòng được đánh giá xếp loại xuất sắc hàng năm, năm 2016 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị tiêu biểu xuất sắc. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả... Giáo dục có 2/3 trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt tỷ lệ 66,7%.

Sản xuất là tiêu chí số 6, lấy sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây lúa, đậu tương, bí, dưa vụ đông, nên trong các năm qua, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị, hộ nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất cho nông dân. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện. Thực hiện tích tụ dồn đổi ruộng đất hiệu quả để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sự liên kết chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hoá 1.800 ha; vùng chuyên canh cây ăn quả 160 ha; vùng trồng rau sạch, rau hữu cơ 30ha, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 47 ha; 7 khu chăn nuôi tập trung 180 ha, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung 130 ha. Thực hiện chương trình liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu liên kết tiêu thụ nông sản với quy mô 30 ha/mô hình; Đề án phát triển cây trồng hàng hóa với 5 mô hình sản xuất cây vụ đông hàng hóa tập trung liên kết tiêu thụ nông sản 100 ha...

Bên cạnh đó thực hiện các Đề án: Đề án xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ diện tích 6 ha tại xã Trác Văn, ký hợp đồng tiêu thụ tại các cửa hàng chuỗi nông sản sạch Bác Tôm và chuỗi cửa hàng Tân Đạt; Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, ký hợp đồng tiêu thụ sữa với công ty sữa Vinamilk, công ty sữa cô gái Hà Lan; Xây dựng 2 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 10 ha; 1 mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh năng suất cao và tạo cảnh quan môi trường sinh thái, diện tích 4498m2 tại xã Yên Bắc; 1 mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô 1.100 con gà Móng tại xã Đọi Sơn; Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng công nghệ đệm lót sinh học thực hiện được 672 mô hình.

Đồng thời còn có các mô hình sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; mô hình sản xuất nấm ăn sạch; sản xuất ổi sạch.

 Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện có 88 máy làm đất lớn, 55 máy gặt đập liên hợp, 17 máy cấy. Từ đó, khâu làm đất đã cơ giới hóa đạt 100% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp 90% diện tích, đã tổ chức cấy lúa bằng máy được trên 300 ha.

Tiêu chí về môi trường đã có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn. Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ ổn định, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hàng năm, khu vực phòng thủ của huyện tiếp tục được củng cố vững chắc.

Mai Huê 

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam