Theo đó, Hà Nội sẽ đầu tư thí điểm 10 máy làm đất công suất trên 24 mã lực ở 10 điểm mô hình, diện tích làm đất bằng máy 250ha; máy làm đất công suất dưới 20 mã lực thí điểm 60 máy/10 điểm, diện tích làm đất bằng máy 600ha. Đối với máy cấy, Hà Nội sẽ có10 máy công suất 1,5 mã lực triển khai ở 10 điểm mô hình, diện tích cấy bằng máy 100ha. Ngoài ra, Hà Nội cũng đầu tư 100 máy máy phun thuốc phòng trừ sâu, 10 máy gặt đập có khả năng gặt đập trên 250ha. Qua triển khai thí điểm đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại những huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì... cho thấy hiệu quả rất rõ rệt như tiết kiệm chi phí sản xuất tới 20% và năng suất lúa tăng từ 15-20%.

 

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trước đây, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Hà Nội mới đạt 0,81 HP (mã lực) trên một héc ta canh tác, thấp hơn nhiều chỉ số bình quân chung của cả nước là 1,12 HP. Tại các khâu làm đất, gieo cấy, gặt đập... tỷ lệ cơ giới hóa của Hà Nội đều thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất của Hà Nội chỉ đạt 69,2%, trong khi cả nước đạt 89,5%; gieo cấy của Hà Nội đạt 7,1%, trong khi cả nước đạt 25%; thu hoạch chỉ đạt 7,8%, trong khi cả nước đạt 20%...

 

Với chăn nuôi (chăn nuôi lợn nái), Hà Nội cũng triển khai 18 hệ thống làm mát chuồng trại, cho ăn, uống bán tự động ở 18 điểm mô hình, số lợn nái được nuôi có hệ thống làm mát chuồng trại 1.800 con. Ngoài ra, Hà Nội còn cho phép mở 8 lớp đào tạo chuyên sâu cho 160 kỹ thuật viên cơ sở ở 8 quận, huyện về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hoá nông nghiệp./.

 

P.A