Từ nhiều năm nay, Hội SVC thành phố Hà Nội đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm SVC nhân dịp các ngày lễ lớn mừng Đảng, mừng xuân ở nhiều quận, huyện, xã, phường với số lư­ợng tác phẩm đa dạng, phong phú, tập trung vào cây cảnh, cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, gỗ lũa, tranh đá quý, th­ư pháp, chim các loại, cá cảnh, thuỷ sinh, hoa các loại… thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân. Qua phong trào sản xuất, kinh doanh SVC, nhiều hội viên, bà con nông dân có thu nhập cao, là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển năng động và bền vững góp phần đạt chuẩn các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí thu nhập trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thủ đô.

Hiện nay, những làng hoa ven đô ngày càng phát triển với nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả như­ huyện Quốc Oai phát triển được 12 vườn cảnh tiêu biểu đạt giá trị từ 200 đến 400 triệu đồng trở lên, có vườn doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm; thị xã Sơn Tây với 10 vườn, có giá trị từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, 50 vườn có giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng; huyện Phúc Thọ phát triển được 12 vườn có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, giá trị sản xuất đạt 4,3 tỷ đồng, có doanh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng; huyện Chương Mỹ với 7 xã trọng điểm, diện tích sản xuất khoảng 25 ha, đạt 9 tỷ đồng.

Tính đến nay, Hội SVC thủ đô đã tổ chức 200 lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất hoa, cây cảnh cho hội viên và bà con nông dân; hỗ trợ xây dựng các mô hình hộ, trang trại sản xuất hoa đại trà và hoa giá trị kinh tế cao. Các quận huyện cơ sở đã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các đoàn thể bạn, tổ chức đào tạo nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, được người yêu thích SVC nhiệt tình hư­ởng ứng. Riêng huyện Qụốc Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ hằng năm tổ chức được 8 lớp cho 240 hội viên tham gia. Trung tâm thông tin - Đào tạo SVC tổ chức tập huấn kiến thức SVC và làm vườn cho 2.000 hội viên, mở hàng chục lớp học có thời gian 3 tháng cho gần 1.000 hội viên; thị xã Sơn Tây mở 38 lớp học cho hàng trăm lư­ợt người tham dự. Qua đó, nhiều hội viên đã tự thiết kế, xây dựng mô hình sản xuất, cắt tỉa, tạo dáng thế cho cây ngày càng thành thục, nâng cao chất lư­ợng tác phẩm.

Theo Đề án quy hoạch phát triển hoa cây cảnh của Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội, toàn thành phố phấn đấu diện tích sản xuất hoa, cây cảnh đạt khoảng 2.165 ha canh tác với tốc độ mở rộng các vùng sản xuất mới là 60 - 80 ha/năm; tăng trưởng bình quân hàng năm từ 5 - 10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh; đặc biệt sẽ tập trung phát triển sản xuất các loại hoa giá trị kinh tế cao. Theo đó, trong thời gian tới, trọng tâm xây dựng tổ chức Hội và phát triển phong trào SVC đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và đô thị sinh thái được chú trọng cụ thể, gắn kết các hoạt động hội với nhiệm vụ kinh tế xã hội của từng địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp – văn minh. Xây dựng phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị kinh tế cao góp phần xây dựng thủ đô trở thành xanh, văn hiến, văn minh. Tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo quần chúng yêu mến SVC, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên danh lam thắng cảnh, chăm sóc bảo vệ và gìn giữ cây cổ thụ, cây gắn với các di tích lịch sử văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là Ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Làm vườn… thông qua hệ thống khuyến nông tổ chức đào tạo, dạy nghề SVC cho người lao động.

Với những lợi thế về sự phong phú đa dạng văn hóa lâu đời, sự tài hoa năng động của người Hà Nội, Hội SVC thủ đô tiếp tục phấn đấu đưa phong trào sinh vật cảnh vững bước phát triển cùng vận hội mới, thời cơ mới của đất nước góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị sinh thái của thủ đô.

Hải Đường