Đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2.350 km đường giao thông nông thôn; Đến nay 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hết năm 2015 toàn tỉnh có 477 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 51,3%, tăng 140 trường so với năm 2010; Đã chuyển đổi 100% các trường trung học phổ thông và trường mầm non bán công sang công lập. Công tác chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 16,6% năm 2010 xuống còn 12,2% năm 2015; Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 58,0% năm 2010 lên 75,1% vào năm 2015; Số bác sĩ/vạn dân từ 6,0 năm 2010 tăng lên 7,9 năm 2015, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc từ 64,2% năm 2010 tăng lên 80% vào năm 2015; Số giường bệnh trên 1 vạn dân năm 2015 đạt 30,4 giường bệnh (tính cả giường trạm y tế xã). Các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng: toàn tỉnh có 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa; Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và có bước phát triển xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao đạt kết quả tích cực. Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn được quan tâm xử lý, nhiều cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp đã thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt hơn 60%; Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách xây dựng 124 bãi chôn lấp rác cho 104 xã, xây dựng 1.160 bể chứa rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại 58 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn I. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cho xử lý và bảo vệ môi trường; Mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Mạng lưới cấp nước sạch được cung cấp tới 100% các xã; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2015 đạt 85%. Công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quan tâm thực hiện. Các loại hình tổ chức sản xuất phát triển tương đối đa dạng, hiệu quả ngày càng cao. Tổng kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trong 5 năm là 8.651 tỷ đồng, gồm có: giao thông 2.460 tỷ đồng, thủy lợi 600 tỷ đồng; điện 1.400 tỷ đồng; cơ sở vật chất văn hóa 1.200 tỷ đồng; trường học 600 tỷ đồng; trụ sở xã 422 tỷ đồng; trạm y tế 150 tỷ đồng; môi trường 879 tỷ đồng; nhà ở dân cư (xóa nhà tạm, dột nát và xây nhà tình nghĩa) 600 tỷ đồng; chợ nông thôn 340 tỷ đồng.


Một số bài học kinh nghiệm

- Xây dựng nông thôn mới là Chương trình hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng thông qua việc ủng hộ tiền của, ngày công, hiến đất, tháo dỡ các công trình để phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch đồng ruộng, làm đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa; chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... là nhân tố quyết định đến sự thành công của Chương trình.

- Ở địa phương, cơ sở nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực sự quyết tâm cao thì ở đó có tiến độ xây dựng nông thôn nhanh, vì công tác tuyên truyền, công tác dân vận được làm tốt, cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu, mọi việc làm đều đưa ra bàn bạc, thảo luận tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân.

- Những xã làm tốt công tác quy hoạch đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý tốt đất dôi dư, đất xen kẹp trong khu dân cư và các khoản thu khác vv... đã chủ động được nguồn vốn để xây dựng các công trình nông thôn mới từ ngân sách địa phương, giảm thiểu tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Chính sách hỗ trợ Chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là rất quan trọng và cần thiết, đã giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh năm 2014-2015: điển hình cơ chế chế hỗ trợ đặc thù cho 18 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và 46 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; Chính sách hỗ trợ xi măng cho tất cả các xã trong tỉnh làm đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương; Chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà máy cấp nước sạch nông thôn...  và rất nhiều chính sách khác.

- Xây dựng nông thôn mới cần tiến hành đồng thời 3 nhiệm vụ chính của Chương trình, gồm: (1) Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại; (2) Đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình sản xuất, hỗ trợ phát triển làng nghề...); (3) Duy trì và phát triển các loại hình văn hóa làng xã (văn hóa lễ hội, tâm linh, hoạt động văn nghệ, thể thao, khuyến học); đặc biệt là các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe nhân dân để đảm bảo tính bền vững của Chương trình.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương