Khi kinh tế nông nghiệp phát triển đúng hướng…

Xã Nghi Thái có diện tích gần 10km2 với dân số trên 9.200 người. Mặc dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, diện tích đất cát bạc màu, khô hạn, đất nông nghiệp bị nhiễm phèn và nhiễm mặn khá lớn, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi được tỉnh và huyện chọn là xã điểm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện Nghi Lộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã ý thức được đây là một vinh dự to lớn, đồng thời cũng chính là trách nhiệm nặng nề mà các cấp, các ngành đã tin tưởng, giao nhiệm vụ.

Nhận thấy điều kiện phát triển nông nghiệp của địa phương không thuận lợi, ngay từ khi mới triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghi Thái đã sớm xác định là phải tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, vừa phát huy lợi thế của 10 làng nghề mây tre đan truyền thống của địa phương, nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, làm “đòn bẩy” quan trọng tạo ra mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Nghi Thái đã thực hiện có hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, cũng như cải tạo các diện tích đất sản xuất khô hạn, bạc màu, bị nhiễm mặn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ gia đình nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng trồng lúa trên những diện tích đất trồng trọt hiện có. Nhờ đó, hàng năm, tổng thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây luôn tăng khá, đạt gần 70 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% trong nền kinh tế của toàn xã.

Đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhất là sản xuất mây tre đan, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Thái đã tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống, phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn, lớp đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho người dân. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng các loại nguyên vật liệu cho các làng nghề, cũng như bao tiêu sản phẩm cho người dân người dân làm ra. Với giải pháp đồng bộ, hiệu quả như thế, hiện nay, các mặt hàng mây tre đan của Nghi Thái đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ… Thu nhập từ mây tre đan xuất khẩu luôn tăng cao qua hàng năm, trong đó năm 2014, 2015 đạt gần 180 tỷ, chiếm tỷ trọng 72%. Hàng năm, tổng thu nhập của xã đạt gần 250 tỷ, bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, thấp nhất huyện.

Kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, người dân Nghi Thái có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.

Khi lòng dân đồng thuận

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới trong điều kiện ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trong khi sự hỗ trợ của nhà nước có phần hạn chế, trong khi đó nhu cầu nguồn lực để tập trung đầu tư trên một số tiêu chí về đường giao thông, trường học, thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa… là rất lớn, nên ngay từ đầu, Nghi Thái đã biết phát huy nội lực của mình bằng cách huy động sức dân trong quá trình thực hiện các công trình, dự án.

Trước hết, để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, Nghi Thái đã biết phát huy dân chủ trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nên trong quá trình thực hiện, các chủ trương, chính sách, kế hoạch của địa phương đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đồng lòng, đồng sức thực hiện hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, trong tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là trên 78,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ 41,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 52,5%, số kính phí còn lại là ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Nổi bật là phong trào huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn ở nhiều thôn, xóm, đã xây dựng được hơn 25 km đường nhựa và đường bê tông, tổng trị giá trên 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng; phong trào đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà văn hoá ở xóm Thái Bình, Thái Lộc, Thái Thịnh... Hiện nay, toàn xã có 100% đường liên xã, 100% đường thôn xóm, 95% đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa và nâng cấp trên 10km trục chính nội đồng cứng hóa. Hệ thống các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang...

Nhà văn hóa xã Nghi Thái được xây dựng khang trang

Cùng với việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở Nghi Thái đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình về bảo đảm an ninh nông thôn. Trong đó, nổi bật các cấp ủy đảng từ xã đến các thôn, xóm đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ủy ban nhân dân xã tập trung đổi mới phong cách, lề lối làm việc, cải cách hành chính để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Nhiều tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tăng cường đổi mới hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng các phong trào, hoạt động thực chất, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm bớt được tính hành chính, sự vụ... Đời sống văn hoá mới, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng tiến bộ, văn minh, đổi mới.

Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua sẽ là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng để Nghi Thái tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thực sự là điểm sáng trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nồng thôn mới” ở Nghi Lộc nói riêng và ở Nghệ An nói chung.

Trương Văn Hà