Đến cuối tháng 12/2018, đã có 100% số xã (164 xã) hoàn thành quy hoạch chung và có đề án xây dựng NTM cấp xã; kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tốt: nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí) có 59 xã, tăng 48 xã so với năm 2015, nhóm 2 (đạt từ 15 - 18 tiêu chí) có 15 xã, nhóm 3 (đạt từ 10 - 14 tiêu chí) có 47 xã, nhóm 4 (đạt từ 5 - 9 tiêu chí) có 43 xã, nhóm 5 (đạt dưới 5 tiêu chí) không còn xã nào.

Hàng năm, UBND tỉnh đều xem xét phân bổ vốn Trung ương cho các xã đạt chuẩn NTM để duy tu bảo dưỡng công trình, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và đạt chuẩn xã NTM bền vững. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành hỗ trợ xây dựng thí điểm 3 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí các xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM.

UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành địa phương tập trung phát triển sản xuất, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng NTM; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương, tỉnh thực hiện Chương trình năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ 55 tỷ đồng và phê duyệt 260 danh mục dự án, mô hình để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với 164 xã. Đến nay đã có 26 mô hình dự án được UBND các huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, Sơn Tịnh có 6 mô hình, Nghĩa Hành 4 mô hình, Bình Sơn 3 mô hình, Mộ Đức 10 mô hình và TP.Quảng Ngãi 3 mô hình.

Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân.

So với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ngãi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tương đối muộn. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, bình quân cả tỉnh chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã (năm 2011), do đó để xây dựng NTM đạt kết quả thì nhu cầu vốn đầu tư không hề nhỏ, Ngân sách các cấp cho xây dựng NTM chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi các nguồn huy động khác như tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho xây dựng NTM không đáng kể nên tình trạng nợ đọng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt chuẩn đúng kế hoạch là không tránh khỏi.

Trong khi ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình MTQG xây dựng NTM còn nhiều hạn chế, khó khăn, UBND tỉnh đã và đang tập trung xây dựng giải pháp huy động các nguồn lực khác, các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện: Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác; tăng cường huy động vốn qua kênh tín dụng, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng để giảm mức tối đa phát sinh tình trạng nợ đọng trong nhưng năm tiếp theo.

Năm 2019, Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 18 xã về đích nông thôn mới gồm: Bình Khương, Bình Thanh Tây, Bình Thạnh, Bình Hiệp (Bình Sơn); Tịnh Hà, Tịnh Đông, Tịnh Phong (Sơn Tịnh); Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Lợi (Mộ Đức); Phổ Thạnh, Phổ Quang, Phổ Văn (Đức Phổ); Tịnh Hòa, Tịnh Ấn Đông (thành phố Quảng Ngãi); Long Sơn (Minh Long); Sơn Thành (Sơn Hà) và An Vĩnh (Lý Sơn).

Ngày 22/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức sơ kết 3 năm (2016 – 2018) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận về kinh nghiệm triển khai xây dựng NTM của các địa phương trong tỉnh; UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 35 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm (2016 – 2018) thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm (2016 – 2018) thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

                                                                   Hải Yến