Huyện đã triển khai nhiều dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. 

Từ khi chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn được mở ra đã giúp cho huyện Sơn Tịnh có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện những chủ trương mới, đem lại cơ hội đổi thay cho bộ mặt nông thôn. Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt trên 979 triệu đồng/năm; tỷ trọng cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm trên 30% trong tổng nền kinh tế của huyện, đạt trên 129% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thủy lợi hóa, cơ giới hóa, thông tin hóa thay thế lao động thủ công.

Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa trên 120 km đường giao thông, đặc biệt từ năm 2017 đến nay huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng gồm 6 đợt với trên 3.900 tấn xi măng, qua đó UBND các xã đã thực hiện trên 130 tuyến với 37 km đường giao thông nông thôn. Thực hiện kiên cố hóa trên 90 km kênh mương loại 3 và nâng cấp sửa chữa nhiều hồ đập đảm bảo phục vụ tưới tiêu.

Từ năm 2012 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức 87 mô hình khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, thủy sản góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.  Ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đã triển khai sử dụng giống lúa mới, áp dụng công nghệ sinh học, thực hiện chương trình “một phải, năm giảm”; hình thành và phát triển một số mô hình mở rộng qui mô sản xuất và liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản lúa giống nhiều nhất ở các xã Tịnh Bắc, Tịnh Minh, Tịnh Hiệp, Tịnh Trà; triển khai thực hiện Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết để sản xuất trên 96 ha ngô thương phẩm ở 2 xã Tịnh Đông, Tịnh Giang, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha và Dự án hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cai Zebu ở 3 xã miền núi Tịnh Hiệp, Tịnh Đông, Tịnh Giang. Huyện đã cấp phát 443 liều tinh, 215 lít ni-tơ, thực hiện phối giống cho 352 con bò.

Từ năm 2012 đến năm 2017, các xã trên địa bàn huyện đã thực hiện 28 mô hình chăn nuôi bò cái lai Zebu sinh sản với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng, hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nông dân nghèo, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trên địa bàn xã. Từ nguồn vốn chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện được 16 mô hình nuôi bò cái lai Zebu sinh sản ở 4 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã: thôn Đông Hòa xã Tịnh Giang; thôn Vĩnh Tuy xã Tịnh Hiệp; thôn Tân An và Hương Nhượng Bắc xã Tịnh Đông, với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện còn phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản. Giá trị làm ra trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 61 triệu đồng. Trong đó, có các loại cây trồng thực hiện chuyển đổi cơ cấu có giá trị thu nhập cao như: cây ngô đạt 104 triệu đồng/ha; cây rau các loại từ 150 triệu đến 160 triệu đồng/ha; cây đậu đỗ đạt 72 triệu đồng/ha; cây đậu phụng đạt 110 triệu đồng/ha; cây khoai lang 150 triệu đồng/ha. Hiện huyện Sơn Tịnh cũng đang tích cực chuyển các loại cây có giá trị thu nhập thấp như cây mía, cây mì chuyển sang trồng các loại cây có giá trị thu nhập cao như khoai lang, đậu phụng và ngô. Các loại cây được chọn tập trung sản xuất thâm canh, quy mô lớn theo hướng mô hình mỗi xã một sản phẩm.

Những kết quả đã đạt được thời gian qua, sẽ là tiền đề quan trọng để kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Sơn Tịnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn, tạo động lực để huyện nhà ngày càng phát triển.

Thu Phượng – Kim Cúc