Xác định được tầm quan trọng của công tác khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh, bao gồm: Tập trung chủ động đề xuất xây dựng và thực hiện các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; Tham gia thực hiện Chương trình đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm trên địa bàn. Cụ thể:

* Chủ động đề xuất xây dựng và thực hiện những mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả: Hàng năm thông qua các chương trình dự án khuyến nông (thuộc nguồn vốn TW và địa phương), Trung tâm đã đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông cho ít nhất 22 xã điểm nông thôn mới của tỉnh.

Các mô hình, dự án có thể kể đến như: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (đậu nành, bắp, mè, dưa hấu luân canh với lúa); Mô hình chuyên canh rau màu ATTP, VietGAP (củ cải trắng, đậu bắp xanh); Các mô hình sản xuất lúa (sản xuất giống lúa chất lượng, sản xuất lúa theo hướng GAP, sản xuất lúa theo 3 giảm 3 tăng và SRI, giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ so với tập quán, sản xuất lúa trong cánh đồng lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và gắn kết tiêu thụ); Mô hình trồng ca cao xen dừa; Mô hình chuyên canh bưởi Da xanh; Mô hình sản xuất nấm rơm; Các mô hình nuôi và nuôi ghép các đối tượng thủy sản có tiềm năng và hiệu quả (ếch-cá trê vàng; cá tai tượng-sặc rằn); Mô hình chăn nuôi thỏ, bồ câu; Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ATSH (gà, vịt, heo); Mô hình gieo tinh nhân tạo bò; Dự án khí sinh học ngành chăn nuôi (hầm biogas);...

Đặc biệt, giai đoạn (2014 – 2017), bên cạnh kế hoạch triển khai các mô hình, dự án khuyến nông hàng năm, đơn vị còn chủ động đề xuất xây dựng và thực hiện các mô hình thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, trong đó có các mô hình: Chăn nuôi bò theo hướng án toàn sinh học (84 con/7 xã NTM); Chăn nuôi vịt siêu thịt áp dụng đệm lót sinh học, ATSH (5.700 con/3 xã NTM); Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh (76 công trình hầm biogas/22 xã NTM) và Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học (75 con/1 xã NTM). Nuôi, nhân rộng MH gà thả vườn  ATSH (30.000 con/11 xã NTM); Mô hình nuôi bồ câu Pháp sinh sản (480 con/3 xã NTM); Mô hình nuôi dê sinh sản (11 con/3 xã NTM). Đa số các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân so với tập quán sản xuất cũ, có ý nghĩa về mặt xã hội, đồng thời đóng phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn.

* Công tác đào tạo dạy nghề cho lực lượng lao động ở các vùng nông thôn cũng được Trung tâm quan tâm thực hiện. Năm 2017, đơn vị đã tổ chức 06 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động ở nông thôn với 129 người được công nhận tốt nghiệp.

Sau khi tham gia học nghề nông nghiệp, các học viên đã có thể chuyển đổi, phát triển thêm ngành nghề mới để tăng hiệu quả kinh tế, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh, học viên còn được trang bị thêm các kiến thức kỹ thuật và tay nghề, giảm thiểu được rủi ro, đảm bảo thu nhập cho hộ gia đình. Theo điều tra sơ bộ, trung bình khi chuyển đổi, phát triển ngành nghề mới thành công, thu nhập của người lao động nâng lên từ 1,5-2 lần.

* Một số hoạt động tư vấn khuyến nông hay hình thức thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức câu lạc bộ khuyến nông kiểu mẫu ở các địa phương trong tỉnh cũng có ý nghĩa đóng góp đáng kể cho tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017 đã tổ chức được 241 kỳ tư vấn với tổng số 5.607 người dự, giải đáp được 2.869 câu hỏi về các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp và các chính sách có liên quan.

Trong năm còn tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động 03 câu lạc bộ khuyến nông kiểu mẫu ở các huyện Trà Ôn, Mang Thít và Bình Tân; Các câu lạc bộ này có kế hoạch hoạt động xuyên suốt, định kỳ với các chủ đề phù hợp theo tình hình sản xuất của địa phương cũng như theo định hướng tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Các kết quả đạt được thời gian qua và trong năm 2017 nói riêng đã đóng góp phần lớn vào việc giúp người nông dân tỉnh nhà tiếp cận với các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác cũ, mở rộng kiến thức, thay đổi cách làm ăn để xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giàu; Góp phần thực hiện thành công Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM tại các xã trên địa bàn tỉnh, nhất là các tiêu chí còn đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện như các tiêu chí thuộc Nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất, bao gồm tiêu chí 10 (thu nhập bình quân), tiêu chí 11 (hộ nghèo), tiêu chí 12 (cơ cấu lao động), tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất), tiêu chí 17 (môi trường).

Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 39 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 44%, tăng 14 xã so với cuối năm 2016), còn lại 20 xã đạt 15-18 tiêu chí, 34 xã đạt 10-14 tiêu chí, 15 xã đạt 5-9 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2018, có thêm 06 xã được công nhận xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt thêm ít nhất 01 tiêu chí trở lên và các xã đã được công nhận đạt xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất 19 tiêu chí ở mức độ cao hơn.

Trung tâm Khuyến nông đã và đang phối kết hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời với việc đề xuất và thực hiện các hoạt động khuyến nông hàng năm trên từng địa bàn, nhằm giúp nâng cao đời sống cho người nông dân và từng bước hoàn thiện đầy đủ bộ tiêu chí, góp phần đưa các xã còn lại của tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Trương Vĩnh Yên

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long