Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ nổi tiếng là vựa lúa hàng hóa; vựa tôm, cá của cả nước mà còn có thế mạnh đặc biệt về cây ăn trái. Ước tính toàn vùng hiện có gần 300 ngàn ha cây ăn trái các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn, chiếm khoảng 35% về diện tích và 46% về sản lượng của cả nước. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước thuận lợi cho các loại cây ăn trái sinh trưởng và phát triển, cùng với việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, nên đã nâng cao hiệu quả trong sản xuất cây ăn trái so với canh tác truyền thống. Trong vùng đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với những thương hiệu nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc ở tỉnh Tiền Giang; bưởi Năm roi ở Vĩnh Long; bưởi Da xanh ở Bến Tre; quít hồng Lai Vung ở Đồng Tháp...

TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khai mạc Diễn đàn


Theo số liệu Cục Trồng trọt cho biết, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,04 tỷ USD, tăng gần 200 triệu USD so với kế hoạch, đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay. Hiện tại, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những loại trái cây chủ lực, có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ phải kể đến là: thanh long (chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (chiếm 27,2% tổng kim ngạch), dứa (trên 16% tổng kim ngạch), mít (3,5%), bưởi (chiếm 1,6%)... Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trên 160 nghìn tấn trái cây đặc sản. Dự báo đến năm 2015, tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 2,6 triệu tấn là trái cây từ khu vực các nước nhiệt đới; Xuất khẩu trái cây tươi trên thế giới có xu hướng tăng, tốc độ tăng bình quân 5,4%/năm.

 


Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển cây ăn trái vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn như: Diện tích chuyên canh chưa cao; chất lượng không đồng đều; điệp khúc "trúng mùa, rớt giá" xảy ra thường xuyên; thị trường không ổn định... Chuỗi giá trị sản phẩm trái cây của vùng từ sản xuất đến người tiêu dùng qua rất nhiều khâu trung gian, giá trị gia tăng của các khâu không cao; sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo... Các diện tích cây ăn trái của vùng ĐBSCL còn phải đối mặt với tình hình dịch bệnh khá nghiêm trọng như: bệnh vàng lá (Greening) trên cây có múi, ruồi đục trái, bệnh xì mủ thân trên sầu riêng, bệnh chảy mủ vàng trên quả măng cụt, bệnh chổi rồng trên nhãn… Các khó khăn trên đã làm cho đời sống của người sản xuất và kinh doanh trái cây không cao, quy mô sản xuất cây ăn trái dần bị thu hẹp có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tiềm năng phát triển của vùng.


Để góp phần giải quyết các khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trái cây, giúp bà con vùng ĐBSCL yên tâm phát triển sản xuất, ngày 31/5/2014 tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Tham dự Diễn đàn có gần 400 đại biểu gồm đại diện Bộ NN-PTNT tại Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số cục, vụ, viện, trường đại học liên quan thuộc Bộ NN & PTNT, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư các tỉnh trong vùng, các nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và 240 đại biểu nông dân của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.


Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi xoay quanh chủ đề liên kết "bốn nhà" trong sản xuất, trong tiêu thụ trái cây, vai trò của các bên tham gia, tính bền vững của mối liên kết. Những kinh nghiệm về các mô hình liên kết thành công của địa phương, doanh nghiệp cũng được chia sẻ như: Liên kết sản xuất thanh long ruột đỏ ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu; Liên kết sản xuất và xuất khẩu chôm chôm của Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu... Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp để tăng cường mối liên kết, nêu thực trạng và kế hoạch sản xuất các loại cây ăn trái thế mạnh của một số tỉnh. Nhiều đại biểu nông dân cũng tham gia trao đổi tại Diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, nêu lên những vướng mắc cần giải đáp để việc liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Đại diện nông dân trồng cây ăn trái trao đổi tại Diễn đàn


Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm KNQG nhấn mạnh: liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trong ngành hàng trái cây nói riêng là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ts cho rằng liên kết "bốn nhà" cần đa dạng trong từng khâu hay liên kết nhiều khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, liên kết nhiều thành phần trong chuỗi sản phẩm từ cung cấp vật tư đầu vào cho đến cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo đảm sự bền vững của liên kết thì chữ "tín" phải được các bên coi trọng và nông dân phải xác định đây là việc làm vì lợi ích lâu dài cho chính mình; Mối liên kết phải được xây dựng trên nền tảng của tiến bộ kỹ thuật mới với các tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP, vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước. Ts đề nghị các địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển cây ăn trái theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đầu mẫu lớn; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ngày 09/01/2012.


Buổi chiều cùng ngày các đại biểu đi thăm quan Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Phú Phụng liên kết với Công ty XNK rau quả Chánh Thu.

 

Hoa Trà