260 đại biểu là đại diện của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia - Bộ Y tế, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và môi trường (C49) - Bộ Công an, các Viện, Trường, các Sở NN-PTNT và nông dân một số tỉnh phía Nam đã tham dự diễn đàn. Với tổng số 08 báo cáo và 36 câu hỏi được trao đổi, Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả với mục đích thông tin kịp thời thực trạng của việc sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay.

Ban chủ tọa Diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, an toàn thực phẩm hiện là một vấn đề nóng được Quốc hội, các ngành, địa phương, người dân đặc biệt quan tâm. Ngành Nông nghiệp những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn, và Ngành Chăn nuôi cũng không ngoại lệ. Hành vi của một số nhóm người, vì lợi ích cá nhân đã cố tình hoặc vô tình sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, tạo màu và sử dụng kháng sinh tràn lan, gây bất an cho người tiêu dùng, khiến cho ngành chăn nuôi vốn gặp nhiều khó khăn nay càng vất vả hơn.

Theo Cục Chăn nuôi, trong năm 2012 và 2014, Cục đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp trên 18 tỉnh thành, trong đó có một số đơn vị sử dụng hàm lượng kháng sinh cao hơn mức quy định. Với chất cấm, riêng năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Cục Chăn nuôi đã kiểm tra 1.893 cơ sở ở các địa phương, trong đó có 58 cơ sở vi phạm về chất cấm. 17 trong tổng số 1.239 mẫu thức ăn chăn nuôi vi phạm sử dụng chất cấm, 257 trong 3.927 mẫu nước tiểu lợn vi phạm chất cấm, 12 trong tổng số 451 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm. Khi triển khai các đợt kiểm tra đã có những kết quả tích cực, giảm thiểu rõ rệt các mẫu dương tính với các chất cấm trong chăn nuôi.

Các đại biểu thăm cơ sở giết mổ tập trung tại Bình Dương

Tại Diễn đàn, Chánh Thanh tra Bộ NN và PTNT cho biết, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua đã trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, làm ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước. Trước tình hình đó, Bộ NN và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay, tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được ngăn chặn, có bước chuyển biến căn bản. 

Trong ba tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai lấy 79 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ và cơ sở chăn nuôi, đã phát hiện có 2 mẫu dương tính với chất cấm Sabbutamol, vượt 2,85%. Tại Long An, từ tháng 9-2015 đến tháng 3-2016, qua lấy 1.396 mẫu kiểm tra chất cấm nhóm Beta-agonist, kết quả phát hiện ba mẫu dương tính Salbutamol. Tại Bình Phước, năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán 2016, lấy 127 mẫu phân tích chất cấm phát hiện một mẫu dương tính với chất cấm. Tại Kiên Giang, năm 2015 lấy 98 mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi nhưng không có mẫu nào dương tính với chất cấm. Tại Cần Thơ, quý I-2016, qua kiểm tra không phát hiện mẫu thịt heo nào chứa chất cấm. Theo báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM, từ 17/1 - 7/2/2016, qua kiểm tra phát hiện 11/276 lô heo có chất cấm. Trong tháng 3/2016, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%. Như vậy việc sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay đã giảm rất nhiều.

Để “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” thời gian tới, đại diện các cơ quan quản lý đều thông tin và khuyến cáo đến những địa phương và người chăn nuôi cần tập trung vào một số giải pháp sau: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Rà soát hoàn thiện thể chế liên quan kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; Tiến hành kiểm tra, thanh kiểm tra việc lưu thông buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu có liên quan, tiến hành đồng thời trên phạm vi cả nước và tập trung làm trọng điểm ở các địa phương có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Toàn cảnh Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh những giải pháp đề xuất. Theo đó:

Cần đẩy mạnh chăn nuôi VietGAP và theo hướng VietGAP;

Tham gia xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt nhất chất cấm trong chăn nuôi và tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn;

Tăng cường thực hiện, chuyển giao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi;

Chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh và sử dụng chất cấm;

Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế và không sử dụng các chất bị cấm sử dụng trong các mô hình khuyến nông…

Để quản lý tốt việc sử dụng chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bên cạnh biện pháp “chống”, cũng cần có những biện pháp "xây". TS Phan Huy Thông đề nghị Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh, TP vùng Nam Bộ tích cực tham gia xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt chất cấm và tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn; đồng thời cần nhân rộng mô hình, ký kết chương trình hợp tác, liên kết với nông dân, hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các trang trại, người trực tiếp chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trước sự chứng kiến của Ban chủ toạ Diễn đàn.

Các trang trại, người trực tiếp chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của tỉnh Bình Dương ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Vũ Tiết Sơn 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem thêm thông tin về Diễn đàn trên các trang báo: 

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Nông thôn ngày nay

Báo Kinh tế Nông thôn

Báo Tiền phong


Nhân dân TV

Báo Hà Nội mới

Truyền hình Thông tấn

Báo Bình Dương

Báo Người Lao động (TPHCM)