Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông và Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau Trần Văn Thức chủ trì Diễn đàn. Có 343 đại biểu tham dự Diễn đàn, trong đó có trên 200 nông dân từ 10 tỉnh vùng Nam Bộ. Đã có 25 câu hỏi thuộc lĩnh vực quản lý, kỹ thuật và các hoạt động liên quan đến khai thác sử dụng và phát triển rừng được trao đổi tại Diễn đàn.

 

TS. Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm KNQG phát biểu tại Diễn đàn



Rừng ngập mặn trong hệ thống rừng ven biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường cũng như duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo số liệu thống kê năm 1943, cả nước có 20 tỉnh, thành phố có rừng ngập mặn với tổng diện tích 408,5 nghìn ha trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), nhưng đến nay đã mất đi gần 60% diện tích, chỉ còn 166.000 ha. Nguyên nhân là do sự tàn phá của chất độc hóa học trong chiến tranh, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xói lở bờ biển, cây rừng già đi và một phần do tác động từ con người,… Nam Bộ hiện có 93.279 ha rừng ngập mặn và 43.254 ha rừng ngập trên đất chua, có tới 37 loài thực vật và rất nhiều giống thủy sản phong phú như cá, cua, ốc, nghêu, sò, vọp,…

 

Toàn cảnh Diễn đàn


Để quản lý và sử dụng rừng ngập mặn hiệu quả, Diễn đàn đã đưa ra một số giải pháp như sau:

 

+ Trồng cây phân tán xây dựng hệ thống vườn ươm, chăm sóc rừng trồng mới cũng như củng cố, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho vùng rừng.

 

+ Hoàn thiện hệ thống quản lý rừng từ cấp trung ương đến địa phương, thành lập các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất như các tỉnh Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang,..

 

+ Nâng cao vai trò của các Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng, các cơ quan quản lý cần chỉ đạo các dự án đẩy mạnh công tác bảo tồn, phục hồi rừng ngập mặn, nâng cao đời sống kinh tế của người dân ven biển thông qua công tác tập huấn, hướng dẫn thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người sử dụng phải tuân thủ các quy định về quản lý bảo vệ rừng.

 

+ Hiện nay Nhà nước đang thực hiện xây dựng tuyến đê biển dọc suốt bờ biển của cả nước, trong khi chưa thực hiện được dự án này cần tăng cường bảo vệ rừng nghiêm ngặt và tăng cường trồng thêm diện tích rừng mới để bảo tồn. Thực hiện tốt các chính sách về giao khoán đất đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng. Quản lý các hộ gia đình sống và sinh nhai bằng các nguồn lợi thủy sản như nuôi trồng, khai thác nghêu, cua, cá kèo,... tránh nguy cơ rừng bị đốt phá gây thiệt hại và ảnh hưởng môi trường.

 

+ Về nuôi trồng thủy sản: Có thể nuôi trồng nhiều loài nhuyễn thể, nuôi tôm, cua, cá bống mú, sò huyết, ốc len, … nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nông dân ngư dân. Nuôi trồng thủy sản kết hợp với sản xuất nông nghiệp theo quy định không quá 40% diện tích đất không rừng trên đất rừng ngập mặn hoặc không quá 30% đối với diện tích đất không rừng thuộc khu vực phòng hộ đầu nguồn.

 

+ Về sử dụng khai thác rừng: Khai thác chọn hay tỉa thưa vừa là giải pháp lâm sinh giúp cây rừng sinh trưởng tốt, vừa là giải pháp kinh tế để người giữ rừng và chủ rừng có nguồn thu. Khai thác chọn, tỉa thưa đã được qui định tại Công văn số 35/2011/TT-BNNPTNT, ngày 20/5/2011, hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

 

Ngoài ra cần thực hiện và đẩy mạnh phát huy vai trò các dự án trong và ngoài nước hỗ trợ cho phát triển rừng ngập mặn. Hy vọng với những giải pháp trên rừng ngập mặn Nam Bộ cũng sẽ được cải thiện về công tác quản lý và sử dụng đạt hiệu quả bền vững cao hơn.

 

Vũ Tiết Sơn 
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia