Trong vài năm vừa qua, hiện tượng El-Nino hoạt động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng NTB, lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng, nền nhiệt độ tăng cao gây ra tình trạng hạn hán, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân khu vực NTB. Năm 2014, toàn vùng đã có trên 16 nghìn ha lúa bị hạn, trong đó diện tích mất trắng trên 3 nghìn ha; năm 2015, đã có trên 30 nghìn ha không sản xuất được, trong đó đất lúa gần 15 nghìn ha, còn lại là rau, màu; diện tích thiệt hại do hạn hán gần 30 nghìn ha. Năm 2016El-Nino tiếp tục ảnh hưởng đến vùng NTB, với lượng mưa không đáng kể đã dẫn tới lượng nước dự trữ các hồ đập đang xuống ở mức thấp chỉ đạt từ 30 - 60% dung tích thiết kế. Đặc biệt, tại ba tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận bị hạn nặng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đại biểu thăm mô hình trồng giống lúa An Sinh 1399 của Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, tiếp nối Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino. Ngày 18/3/2016, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp DHNTB tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề “Các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán trong sản xuất nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận.

Ban chủ tọa Diễn đàn

 

Diễn đàn đã thu hút trên 300 đại biểu là nông dân, cán bộ kỹ thuật của 8 tỉnh/thành phố trong vùng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, cùng 14 đơn vị truyền thông trung ương và địa phương tham dự và đưa tin.

Tại Diễn đàn, nhiều giải pháp ứng phó với tình hình nắng hạn đã được đưa ra trao đổi, thảo luận như chuyển đổi cây lúa sang cây trồng ít sử dụng nước; điều tiết hợp lý nguồn nước thủy lợi; sử dụng mô hình sản xuất tưới tiết kiệm nước; tập trung nạo vét lòng hồ, kênh mương thủy lợi; xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương…

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết: Để ứng phó hạn hán, các địa phương cần rà soát lại mùa vụ, rà soát lại diện tích, xem xét lại cơ cấu sản xuất, có thể chuyển đổi làm 2 vụ trên những vùng không thể làm được 3 vụ.

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong những các giải pháp ứng phó với hạn hán thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn sẽ tiết kiệm lượng nước tưới đáng kể. Trung bình sản xuất 1 ha lúa cần đến khoảng 10.000 m3 nước/vụ, nhưng chuyển sang cây trồng cạn thì có thể sản xuất được 3-5 ha và được nhiều nông dân hưởng lợi. Bên cạnh đó giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tưới nước tiết kiệm và phun mưa cũng sẽ giảm được nước tưới lên đến 40- 50% so với tưới tràn, trong khi đầu vào giảm nhưng lợi nhuận tăng 40%.

Trong chương trình Diễn đàn, các đại biểu đã đi thăm mô hình "Tưới nước tiết kiệm theo chảo bốc thoát hơi nước (mini pan) kết hợp tưới phun mưa" cho rau màu của hộ nông dân Lộ Trung Tài (Thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Anh cho biết: "Áp dụng công nghệ này, nhà anh đã tăng diện tích sản xuất từ 0,2 ha lên 01 ha; Lượng nước tưới tiết kiệm giảm 40 - 50% so với các phương pháp tưới rãnh, tưới tràn; Giảm số công lao động lên luống, làm rãnh, đắp bờ ngăn dẫn dòng tưới và giảm 50% công lao động tưới nước; Tăng diện tích gieo trồng nhờ tiết kiệm đất để làm rãnh, bờ ngăn. Về hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm khoảng 30%, lợi nhuận tăng 40%".

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lạc áp dụng "tưới nước tiết kiệm theo chảo bốc thoát hơi nước" của hộ nông dân Lộ Trung Tài 

 

Giải pháp sử dụng những giống cây trồng đã được chọn lọc có khả năng chống, chịu hạn thích nghi với điệu kiện sinh thái của vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Chuyển đổi từ cây trồng có nhu cầu nước tưới nhiều sang cây trồng có nhu cầu nước tưới ít hơn nhưng hiệu quả kinh tế phải tương đương hoặc cao hơn; Chuyển đổi từ giống cây trồng có khả năng chịu hạn kém hơn sang giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn. Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã giới thiệu tới bà con nông dân các giống như: Giống lúa thuần ANS1, có thời gian sinh trưởng trung bình sớm, 87-105 ngày, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, thích nghi với điều kiện sinh thái vùng. Các giống cây trồng cạn phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng như sắn KM7; lạc LDH.01; đậu tương ĐTDH.02, đậu xanh NTB.O2,... Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cũng giới thiệu: Giống ngô lai đơn VN8960, đậu xanh ĐX208. Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam với các giống ngô chịu hạn CP333 và CP111…

Tham quan mô hình trồng đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi tại thôn Mỹ Sơn, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

 

Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, cần ít nước hơn, kết hợp các kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước được khuyến cáo tại Diễn đàn. Việc giảm lượng hạt giống gieo sạ trong canh tác lúa, cũng là giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.

Tại Diễn đàn, thay mặt cho Bộ Nông nghiệp và PTNT -  Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chính thức phát động Chương trình hành động giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ tại vùng DHNTB và Tây Nguyên với các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung giảm lượng giống gieo sạ trong từng vụ sản xuất, theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện, tổng hợp đánh giá kết quả; tổ chức các hội nghị sơ kết và tổ chức tổng kết hằng năm kết quả thực hiện trong toàn vùng;

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, quy trình SRI… tăng cường hoạt động lồng ghép xây dựng và nhân rộng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật giảm lượng giống gieo sạ;

- Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp DHNTB và các cơ quan nghiên cứu có liên quan tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các quy trình thâm canh lúa; tăng cường sản xuất và quản lý tốt nguồn giống lúa siêu nguyên chủng; chủ động trong việc sản xuất và cung cấp cho địa phương theo yêu cầu;

- Các địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực tăng cường công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp và sinh động thuyết phục để nâng cao nhận thức của cộng đồng và người nông dân về các biện pháp giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ tại vùng DHNTB và Tây Nguyên; Tăng cường thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha và năm 2020, đồng thời nâng sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 80% diện tích gieo trồng mỗi vụ; kiểm soát và quản lý chặt chẽ sản xuất kinh doanh giống, lập kế hoạch sản xuất và cung ứng giống theo từng vụ, từng năm, theo dõi sản xuất và phân phối giống lúa mới cho nông dân.

Thời gian triển khai bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2016 và kết thúc vào vụ Hè Thu năm 2020. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Nếu toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80kg/ha thì sẽ tiết kiệm được khoảng 65 nghìn tấn hạt giống lúa mỗi năm - tương đương với 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo, đồng thời làm cơ sở cho việc giảm các chi phí khác như thuốc BVTV, phân bón góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Cùng với việc tăng cường sử dụng giống lúa đạt phẩm cấp, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa vùng DHNTB và Tây Nguyên góp phần tái cơ cấu ngành lúa gạo của nước ta.

Ngay sau lễ phát động, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư của 8 tỉnh/thành trong vùng đã cùng nhau ký giao ước Kế hoạch hành động khuyến nông hưởng ứng Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng DHNTB, dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh DHNTB .

 

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư của 8 tỉnh/thành trong vùng ký giao ước Kế hoạch hành động khuyến nông hưởng ứng Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng DHNTB

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã nhấn mạnh việc chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước là biện pháp tối ưu trong công tác chống hạn, tuy nhiên để giải quyết sản phẩm đầu ra khi nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn như bắp, đậu xanh, đậu phộng thì cần sự vào cuộc của địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo khuyến nông các tỉnh tham mưu cho tỉnh những nội dung sau:

- Rà soát lại quy hoạch sản xuất, phân định rõ vùng sản xuất: vùng có nước áp dụng giảm chi phí sản xuất; vùng hạn nặng chuyển đổi cơ cấu sản xuất;

- Kiện toàn hệ thống thuỷ lợi, điều tiết nước nhằm sử dụng tưới nước tiết kiệm để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất;

- Giải pháp phi sản xuất; chuyển vụ, tăng vụ, đưa các loại giống cây trồng chịu hạn, giống ngắn ngày vào sản xuất;

- Phát triển chăn nuôi gia súc chịu hạn, trồng cỏ, thu gom rơm rạ, tận dụng phế phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Các tỉnh trong vùng DHNTB căn cứ nội dung đã ký kết giao ước, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương phù hợp, để tư vấn phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cho người sản xuất, né tránh thiên tai...

Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia