Ông Hoàng Trung - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp &PTNT, Ts Trần Văn Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang đồng chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn thu hút 320 đại biểu, trong đó có 260 nông dân đến từ 7 tỉnh có diện tích trồng nhãn vải lớn miền Bắc tham dự.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn, ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật -Bộ NNPTNT) cho biết: Vải thiều của nước ta hiện nay phần lớn được tiêu thụ nội địa (chiếm khoảng hơn 60%) và xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường không yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nhưng giá cả thường bấp bênh, thiếu ổn định, nên giá trị kinh tế thu được chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế mà loại trái cây này có thể mang lại.

Ông Lê Nhật Thành cũng cho biết, hiện thị trường Mỹ đã cho phép nhập khẩu vải và nhãn của Việt Nam, dự kiến đến cuối tháng 5/2015, lô vải thiều đầu tiên sẽ được xuất sang Mỹ.

Việc Mỹ mở rộng cửa cho quả nhãn, quả vải của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho nông dân nâng cao thu nhập. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác, bà con phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt để sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, ngành chức năng các địa phương có diện tích nhãn, vải lớn ở miền Bắc như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang đang tích cực xây dựng những mô hình sản xuất an toàn để đón đầu cơ hội lớn này.

Được biết, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép sản phẩm vải thiều của Việt Nam được nhập khẩu vào nước này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành và UBND huyện Lục Ngạn xác định rõ vùng trọng điểm vải thiều phục vụ nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và những thị trường mới, khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc,… đồng thời lựa chọn được 234 hộ gia đình đủ điều kiện tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu với diện tích 100,1 ha tại 6 thôn của xã Hồng Giang. Huyện cũng phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) rà soát thực hiện cấp 6 mã vùng trồng với diện tích 60,38 ha cho 109 hộ ở 3 thôn Kép 1, Phương Sơn, Ngọt của xã Hồng Giang. Ngày 13/3/2015, đại diện cơ quan kiểm dịch thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đến trực tiếp kiểm tra các vùng trồng vải thiều được chấp nhận cấp mã vùng trồng và đánh giá rất cao công tác vệ sinh khu vực vườn trồng vải, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, quản lý sâu bệnh của nông dân. Trước những triển vọng lớn về thị trường xuất khẩu vải, nhãn, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng mà nếu không chủ động tháo gỡ thì trái cây Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị cấm xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu chia sẻ về cách ghi nhật ký

Theo ông Hoàng Trung, hiện có hai “hàng rào kỹ thuật” mà các nước đang áp dụng để bảo hộ sản xuất, bảo vệ môi trường và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước là kỹ thuật về kiểm dịch thực vậtan toàn thực phẩm. Đây chính là lý do giải thích tại sao mặc dù nước ta đã xuất khẩu trái cây và rau quả gần 1,5 tỷ USD trong năm 2014 nhưng giá trị thu được từ những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vẫn thấp

Thông qua Diễn đàn, ông Hoàng Trung cũng chia sẻ, để có thể đáp ứng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nhãn, vải xuất khẩu sang Mỹ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa 5 hoạt chất mà nước bạn cấm, gồm: Iprodione, Cypermethrin, Difenoconazole, Carbendazin và Chlorothalonil. Các loại thuốc hóa học sử dụng thay thế theo khuyến cáo của cơ quan chức năng địa phương và phải đảm bảo đủ thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch; xem xét biện pháp bọc trái khoảng 3 tuần trước khi thu hoạch; trong giai đoạn thu hoạch, trái vải và nhãn có thể sơ chế tại chỗ nhưng không được dùng bất kỳ loại hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng, quả tươi lâu. Ngoài ra, có thể xông thuốc lưu huỳnh để bảo quản trái nhưng phải đạt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép do cơ quan chức năng của Mỹ quy định… Đây cũng là những khuyến cáo rất chi tiết, cụ thể được đưa ra thảo luận sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu, người trồng nhãn vải tại diễn đàn làn này.

Diễn đàn đã nhận được 31 câu hỏi từ phía người dân của 7 tỉnh “thủ phủ” nhãn, vải miền Bắc. Các câu hỏi đã được Ban cố vấn giải đáp thỏa đáng và phần nào đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu tại xẫ Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang

TS.Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, việc sản xuất theo quy trình VietGAP là đòi hỏi tất yếu để có thể đưa quả vải, nhãn thâm nhập vào các thị trường khó tính. Vì vậy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để diện tích vải, nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng tăng; các hộ nông dân tham gia mô hình tiếp tục phát huy những kỹ thuật đã tiếp thu, mở động đầu tư thâm canh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giữ vững được uy tín của các đặc sản trên.

Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia