Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tháng 2/2017, hiện nay các bộ, ngành trong cả nước đang chung tay, tạo điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp, người nuôi tôm phát triển ổn định, bền vững, biến nghề nuôi này thành ngành công nghiệp tôm, trở thành “công xưởng” tôm của thế giới, sớm đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong kế hoạch đến năm 2025.

Trong bối cảnh đó, ngày 18 - 19/5  tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn chủ đề “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi tôm nước lợ”. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã quan tâm, lồng ghép trong hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm góp phần phát triển bền vững ngành tôm. Diễn đàn lần này là sự kiện thứ 13 trong chuỗi 13 sự kiện liên quan chủ đề về tôm kể từ năm 2007 đến nay, trong đó có 12 Diễn đàn và 01 hội thi, đây là Diễn đàn cuối cùng trong năm 2017, kết thúc chuỗi các diễn đàn về tôm được tổ chức với quy mô cả nước từ khu vực phía Bắc đến khu vực miền Trung và phía Nam.

Chủ trì Diễn đàn có ông Kim Văn Tiêu - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Dương Tiến Thể - PCT Cục Thú y và ông Nguyễn Văn Đức - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh. Các chuyên gia tư vấn là đại diện của các cơ quan, đơn vị: Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Trung tâm Khảo nghiệm Kiểm nghiệm Kiểm định Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS 1), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu đến từ 07 tỉnh ven biển phía Bắc, với trên 250 đại biểu, trong đó có 190 nông dân trực tiếp sản xuất tôm, cùng đại diện phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Thời gian qua, các sự kiện khuyến nông luôn được chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nếu như ở những Diễn đàn trước, các báo cáo tham luận còn chiếm 30% thời gian, phần trao đổi, hỏi đáp chưa thỏa mãn, thì ở Diễn đàn lần này, phương pháp tổ chức được đổi mới về hình thức thực hiện, trong đó tập trung trao đổi giữa chuyên gia với bà con nông dân qua thao tác trực tiếp trên mẫu vật. Thời gian chủ yếu dành cho việc trao đổi, tư vấn và thăm quan mô hình thực địa, với thời lượng tăng gấp đôi so với trước.

Trong 02 ngày tổ chức Diễn đàn đã lồng ghép chương trình đi thăm quan mô hình và hỏi đáp tại hội trường. Phần hỏi đáp được xen kẽ giữa các phần thao tác trên mẫu vật và tổ chức trò chơi "Hiểu biết bệnh tôm" nhằm tạo hứng thú, tinh thần trao đổi, học hỏi cho người tham gia.

Bà con nông dân tham gia trò chơi "Hiểu biết bệnh tôm" tại hội trường

Đại biểu đã được đi thăm quan 3 cơ sở sản xuất tôm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mô hình nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ bán biofloc (Semi - biofloc) tại hộ ông Bảy ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Các đại biểu và bà con đã được nghe chủ hộ giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về nuôi tôm theo công nghệ Semi - biofloc, với nhiều ưu điểm như: hệ số thức ăn thấp, dễ cải tạo ao nuôi, dễ kiểm soát NH3, hạn chế được dịch bệnh, nuôi được mật độ cao, biofloc có vai trò quan trọng trong việc xử lý chất thải hữu cơ, thức ăn thừa, phân tôm và xác lột nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, tôm sinh trưởng phát triển tốt và nâng cao tỷ lệ sống so với quy trình nuôi tôm thông thường. Ông Bảy cho biết, với diện tích ao 3.000 m2, mỗi vụ cho năng suất 7 tấn.

Đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm theo công nghệ bán Biofloc tại hộ ông Bảy ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

 

Tại điểm thăm quan khu sản xuất tôm của Công ty TNHH Sản xuất Hạ Long (BIM) ở Phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, bà con nông dân được tìm hiểu về quy trình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn và được chuyên gia hướng dẫn sự cần thiết phải ương tôm 2 giai đoạn, nhằm nâng cao tỷ lệ sống của tôm, dễ dàng kiểm soát môi trường nuôi, hạn chế dịch hại, hạn chế tối đa hội chứng tôm chết sớm...

 

Đại biểu thăm quan hệ thống ao ương tôm theo quy trình nuôi 2 giai đoạn của Công ty TNHH Sản xuất Hạ Long (BIM) - Phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Ngoài ra, khi đến thăm ao nuôi tôm lót bạt và nuôi tôm trong ao nổi của Trại thực nghiệm Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ (thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật và Thủy sản), bà con có điều kiện tìm hiểu về phương pháp thiết kế ao, hiểu rõ về lợi ích của nuôi tôm ao nổi là phèn không xì ngược, các ao xung quanh nếu có bệnh cũng không thể thẩm thấu ngang sang được, hạn chế được sự rủi ro cho người nuôi tôm trong điều kiện bất lợi về thời tiết, môi trường nước không ổn định, dễ thuận lợi cho việc xiphong, hạn chế lây lan dịch bệnh giữa các ao trong khu vực nuôi.

Đại biểu thăm ao nuôi tôm lót bạt và nuôi tôm trong ao nổi của Trại thực nghiệm Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ

Sau thăm mô hình, trở về hội trường các đại biểu đặt câu hỏi qua phiếu và hỏi trực tiếp với chuyên gia. Mục đích tạo cho bà con có cơ hội tiếp tục được giải đáp những thắc mắc trong thực tiễn sản xuất cũng như kiến thức mới vừa được trải nghiệm. Phần trò chơi “Hiểu biết bệnh tôm” được tổ chức sau khoảng 1 tiếng hỏi đáp. Qua phần trò chơi, ngoài giúp nông dân có cơ hội được trổ tài những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất mà còn giúp bà con có thêm hiểu biết về bệnh tôm và tăng sự sôi nổi của không khí Diễn đàn.

Cả hội trường "nóng lên" với phần thao tác trực tiếp trên mẫu vật của chuyên gia. Các mẫu tôm bệnh và tôm khỏe, được thu thập từ ao nuôi của các hộ dân. Chuyên gia thao tác trên mẫu tôm, so sánh dấu hiệu nhận biết giữa mẫu tôm bệnh và tôm khỏe và hướng dẫn phương pháp phát hiện kịp thời, phòng, trị bệnh cho tôm. Qua hình ảnh mẫu vật tôm chiếu trên màn hình, đã giúp cho người nuôi dễ dàng nhận biết một số loại bệnh thường gặp trên tôm nuôi. Ngoài ra, chuyên gia còn thực hiện thao tác đo độ mặn, test pH, hướng dẫn kỹ thuật quản lý các yếu tố môi trường nuôi tôm để đạt hiệu quả, cho năng suất cao. Phần thao tác trên mẫu bệnh tôm còn giúp người chơi hiểu hơn về một số bệnh trong phần trò chơi diễn ra.

Chuyên gia thao tác trên mẫu bệnh tôm

Tại Diễn đàn, hầu hết các vấn đề đang được quan tâm của ngành nuôi tôm nước lợ đã được đề cập, trao đổi, thảo luận, hỏi - đáp giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm. Các chuyên gia đã trả lời thỏa đáng 33 câu hỏi, tập trung vào các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi tôm như: cách xử lý ao, sử dụng chế phẩm sinh học, kỹ thuật lựa chọn tôm giống, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi tôm nước lợ (nuôi tôm theo công nghệ biofloc, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong ao nổi), nuôi ghép tôm với các đối tượng thủy sản phù hợp (rong câu, cá rô phi, cá diêu hồng…), thức ăn tươi sống cho tôm (tảo, artemia), biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm, phương pháp xử lý tảo đỏ, rong, rêu phát triển trong ao; sử dụng bao bì, lót bạt trong nuôi tôm; địa chỉ mua tôm giống chất lượng, giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, công tác phòng quan trắc phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi...

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Hiện nay có nhiều mô hình nuôi tôm theo công nghệ thông minh siêu lợi nhuận. Trước hết để hạn chế được dịch bệnh, bà con phải phòng bệnh tổng hợp (từ khâu thiết kế ao, chuẩn bị ao, nguồn nước, mùa vụ thả, mật độ, cỡ giống thả, chăm sóc quản lý thu hoạch và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật). Trong báo cáo của cơ quan quản lý năm 2016, 70% tôm chết là do môi trường và thời tiết, 23% tôm chết do bệnh và dịch bệnh, 7% chết không rõ nguyên nhân. Người nuôi tôm muốn hạn chế được dịch bệnh cần áp dụng các phương pháp như sau:

Phương pháp 3 sạch: nước sạch, đáy sạch và tôm sạch;

Phương pháp 4 không: không để nước quá lâu (phải bổ sung và thay nước), không để nước quá sâu (độ sâu phù hợp từ 1,4 - 1,8 m); không để nước đứng yên (phải quạt nước, sục khí ôxy); không lấy nước trực tiếp (lấy qua lắng cấp 1, lắng cấp 2)

Áp dụng 3 xem, 4 định trong cho ăn: Trong đó 3 xem là: xem thời tiết, xem màu nước, xem sức khỏe tôm. Sau đó mới quyết định thức ăn cho tôm. 4 định là: định số lượng, định chất lượng, định thời gian, định địa điểm, tùy theo cỡ tôm giống để quyết định cỡ thức ăn, hàm lượng đạm, số lượng thức ăn.

Diễn đàn đã trao đổi thẳng thắn, với khẩu hiệu: cần gì hỏi nấy, hỏi gì đáp nấy, theo tinh thần “4 H” đó là: học, hỏi, hiểu, hành.  

Theo nhận định của một số đại biểu tham dự, cách tổ chức diễn đàn lần này thực sự hiệu quả, từ công tác tổ chức đến nội dung của diễn đàn, giúp người tham gia dễ hiểu, hiểu nhanh, dễ áp dụng và nhớ lâu.

Ông Lê Đình Hòa - nông dân trực tiếp nuôi tôm ở khu Minh Khai, phường Đại Yên, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, với cách tổ chức diễn đàn sinh động, thiết thực, ông đã dễ dàng tiếp thu được nhiều kiến thức hay và bổ ích để về áp dụng nuôi tôm của gia đình như: cách nhận biết bệnh tôm bằng mắt thường, phương pháp phòng bệnh đốm trắng, bệnh chết sớm cho tôm mà lâu nay ông chưa nắm rõ.

Ông Nguyễn Văn Lộc ở phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho hay: Tham dự diễn đàn này, được đi thăm quan các mô hình nuôi tôm hiệu quả, được mắt thấy, tai nghe, được hỏi và được tư vấn trực tiếp, đã giúp ông làm rõ được những vướng mắc trong quá trình nuôi tôm của gia đình. Các chuyên gia đã giải đáp giúp ông hiểu được nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng tôm, cua trong ao nuôi xen ghép thường chết hàng loạt. Ngoài ra, ông đã nắm được cách nhận biết tôm giống đảm bảo chất lượng và một số địa chỉ mua tôm giống uy tín, giúp ông yên tâm đầu tư nuôi tôm hơn.

Anh Lê Huy Đỉnh, ở thôn Đồng Điều, xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bộc bạch: Nung nấu ý định nuôi tôm vụ đông, anh xin được tham dự diễn đàn để được tư vấn cách chuẩn bị ao, thả giống, chăm sóc quản lý ao tôm… để về áp dụng nuôi trong thời gian tới.

Mặc dù hiện nay, ngành tôm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, vươn lên một tầm cao mới. Là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch dao động từ 3 - 4 tỷ USD/năm, ngành tôm đã và đang mang lại nhiều việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, không ngoại lệ, ngành tôm đang tồn tại 3 thách thức chung của nông nghiệp Việt Nam, đó là: phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ hội nhập.

Ông Dương Tiến Thể - Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, trước tình trạng một số nước trong khu vực và trên thế giới đã tạm ngừng nhập khẩu tôm sống và tôm đông lạnh từ Việt Nam do lo ngại về dịch bệnh (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, đầu vàng, taura, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và bệnh hoại tử cơ), Cục Thú y đã có kế hoạch triển khai giám sát tại vùng trọng điểm sản xuất tôm giống (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu) và các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm thương phẩm xuất khẩu (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) nhằm đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Kết Phát Thịnh,… tiên phong đăng ký và đang tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông cả nước đã bám sát Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, thực hiện 8 nội dung cơ bản của Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản: nâng cao giá trị gia tăng; phát triển bền vững; luôn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; sản xuất gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho nông dân; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng mô hình luôn gắn với xây dựng nông thôn mới; cải cách thủ tục hành chính đề xuất các cơ chế chính sách để phù hợp với thực tiễn.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, đạt hiệu quả cao và bền vững như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại 12 tỉnh trong cả nước, lợi nhuận đạt trung bình: 500 triệu/ha; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Biofloc tại tỉnh Khánh Hòa, với tỷ lệ lợi nhuận đạt trên 52%/vốn đầu tư; Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh đạt hiệu quả cao tại tỉnh Sóc Trăng, cho năng suất từ 15 - 20 tấn/ha; Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực - lúa tại các tỉnh Nam Bộ, lợi nhuận đạt từ 43,5 - 123 triệu đồng/ha; Dự án phát triển nuôi tôm - lúa kết quả cho năng suất tôm sú: 550 kg/ha và lúa: 4,5 - 5 tấn/ha, lợi nhuận từ 80 - 120 triệu đồng/ha.

Để góp phần đưa ngành tôm tiếp tục phấn đấu vươn lên, bảo vệ vị thế và đứng vững trên thị trường thế giới, cần có những bước đi chiến lược và cụ thể từ định hướng, trong đó cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đề xuất các cơ chế, chính sách, tìm hướng đi cho ngành tôm Việt Nam có bước tiến nhanh hơn, bền vững hơn. Kết luận Diễn đàn, Ông Kim Văn Tiêu đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất một số giải pháp như sau:

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung:

1. Tổng Cục thủy sản và Cục Thú y: Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chất lượng con giống để sản xuất và cung ứng con giống cho nông dân đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh. Tăng cường quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường. Rà soát quy hoạch, đầu tư nâng cấp hạ tầng thuỷ lợi và giao thông tại các vùng sản xuất tôm công nghiệp, tập trung. Phối hợp các ban ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất để tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

2. Các chi cục Thủy sản, chi cục Thú y: Quản lý chặt chẽ tôm giống lưu thông trên thị trường và các cơ sở sản xuất tôm giống, cũng như thuốc thú y và chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường lưu thông trên địa bàn.

3. Các viện, trường, trung tâm giống: Tăng cường nghiên cứu chọn tạo, đảm bảo trước năm 2025 đủ tôm giống bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh; hoàn thiện công nghệ để chủ động sản xuất thức ăn trong nước phục vụ nuôi tôm; Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, cảnh báo sớm, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh.

4. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Xây dựng các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững; đồng thời tổ chức nhân rộng với phương châm 1 người làm, 1.000 người biết, 100 hộ học tập làm theo. Tăng cường đào tạo kỹ thuật mới cho nông dân; Tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ cao vào các vùng sản xuất tôm.

5. Các cơ quan thông tấn báo chí: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và giới thiệu các mô hình hiệu quả như nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất, nuôi an toàn thực phẩm, các đơn vị cung ứng giống đảm bảo chất lượng để người nuôi biết và lựa chọn. Tăng cường cung cấp thông tin cung cầu, giá cả thị trường tôm để người dân có kế hoạch sản xuất hợp lý.

6. Đối với bà con nông dân: Mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; tăng cường tham quan học hỏi. Liên kết để sản xuất, không nên mạnh ai người nấy làm. Tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin giữa nông dân với nông  dân, giữa nông dân và doanh nghiệp, nông dân và các nhà quản lý, khoa học. Ngoài ra, trong sản xuất tôm, bà con cần áp dụng khuyến cáo "3 có, 5 không". 3 có là: có ao lắng, có ao chứa nước thải, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. 5 không là: Không mua giống trôi nổi, không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, không thả giống quá nhỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp, không xả thải ao tôm bị dịch bệnh ra môi trường./.

Nguyễn Mai

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia