Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Tám, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, các ông Lương Lê Phương, ông Nguyễn Việt Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, các đại biểu của Bộ NN & PTNT, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cục vụ, viện, trường Đại học trực thuộc Bộ, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận. Diễn đàn thu hút trên 300 đại biểu, trong đó có gần 200 đại biểu là nông ngư dân tham dự. Đến dự và đưa tin về Diễn đàn có 20 cơ quan thông tin báo chí Trung ương và địa phương.

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tôm hùm là một đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao và hiện đang được phát triển nuôi nhiều tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận với khoảng 42.000 lồng. Sản lượng tôm hùm nuôi trung bình hàng năm đạt gần 1500 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông và tôm hùm xanh, đã đem lại nguồn thu trên 3.500 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung... Ông Lê Văn Trúc Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên khẳng định về sự cần thiết phải tổ chức Diễn đàn vì đây là cơ hội tốt để nông ngư dân tiếp cận với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chia sẻ thông tin về chủ trương chính sách, nắm bắt được nhu cầu thị trường, cũng như giải đáp, chia sẻ các khó khăn, vướng trong việc phát triển nuôi tôm hùm; qua đó có giải pháp về cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gắn với an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền trên biển; góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ và của ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Ban chủ tọa và Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Với ý nghĩa đó và tầm quan trọng của Diễn đàn, Ban tổ chức đã mời những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và các chuyên ngành thủy sản tham gia Ban cố vấn. Với 45 câu hỏi về những vấn đề đang được quan tâm về giống, thị trường, môi trường, dịch bệnh, chính sách, quy hoạch, vốn (trong đó có 50% câu hỏi của bà con ngư dân đề cập đến vấn đề chính sách phát triển nghề nuôi tôm hùm...) đã được Ban cố vấn giải đáp thấu đáo các câu hỏi của đại biểu và ngư dân tham dự Diễn đàn.

 

 

Đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn

 

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên về chủ đề tổ chức diễn đàn. Qua theo dõi phần thảo luận của ngư dân với ban cố vấn, Thứ trưởng chỉ đạo các ngành liên quan cần thực hiện 2 nhóm giải pháp sau:

 

Nhóm chính sách: (i) Coi tôm hùm là một nghề, trên tinh thần đó phải tổ chức lại sản xuất, có kiểm soát, tăng cường liên kết, tiến tới thành lập Hiệp hội những người nuôi tôm hùm để giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc trong phát triển sản xuất và thị trường; (ii) Quy hoạch vùng nuôi tôm hùm, vấn đề này các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho tỉnh có quy hoạch chi tiết; (iii) Không để nuôi tôm hùm một cách tự do, tự phát mà phải có quy định điều kiện nuôi; (iv) Rà soát lại các chính sách, liên quan đến quản lý Nhà nước trong việc nuôi tôm hùm, đặc biệt vấn đề giống; (v) Điều tra nguồn lợi thỷ sản, nhằm quy hoạch, quản lý, phương pháp khai thác giống, tăng cường thanh tra chuyên ngành để bảo vệ nguồn lợi thủy sản); (vi) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có thị trường trong nước và xuất khẩu ổn định, phát triển nghề nuôi tôm hùm gắn với tiềm năng du lịch các tỉnh miền Trung.

 

Nhóm giải pháp kỹ thuật: (i) Sản xuất giống nhân tạo, giảm khai thác giống tự nhiên, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan khoa học, các viện trường; (ii) Sản xuất thức ăn công nghiệp; (iii) Làm tốt công tác quan trắc quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh...

 

Thứ trưởng nhấn mạnh cần phát huy sự sáng tạo của ngư dân trong phát triển nuôi tôm hùm, đưa nghề nuôi tôm hùm phát triển có hiệu quả và bền vững.

 

VBD - TTKNQG