Theo Cục Chăn nuôi, những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta đã và đang phát triển nhanh chóng về cả chất lượng và số lượng. Đến năm 2018, cả nước có xấp xỉ 1,26 triệu đàn ong, tổng sản lượng mật ong năm 2018 đạt 49 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu gần 44 nghìn tấn (đạt 90%) - trở thành quốc gia đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. Trong đó, sản lượng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ với 90-95%, còn lại xuất khẩu sang thị trường châu Âu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nuôi ong tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (442 nghìn đàn), một số vùng đã xây dựng được thương hiệu mật ong, mang lại giá trị kinh tế cao như: Mật ong bạc hà “Mèo Vạc” ở Hà Giang, “mật ong Sơn La”... Chất lượng sản phẩm tạo ra từ ong mật như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa... không ngừng tăng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nuôi ong mật không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, có nhiều nông dân đã vươn lên xóa nghèo, làm giàu từ nghề nuôi ong mật hiệu quả.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại Diễn đàn, qua 44 câu hỏi và trả lời cùng nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia và người nuôi ong, các đại biểu đều nhận thấy rằng: Thực trạng ngành nuôi ong hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu sự quản lý chung và thiếu sự thống nhất, điển hình là việc duy trì tính bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm. Những hạn chế về kiến thức của người nuôi ong và việc không tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình khai thác, chế biến, bảo quản đã làm giảm chất lượng sản phẩm, nhiều lô hàng mật ong xuất khẩu có tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã bị trả về ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm và gây thiệt hại kinh tế lớn. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và khai thác mật còn lỏng lẻo; công tác nghiên cứu khoa học về ong còn hạn chế; người nuôi ong thường tự chủ động tạo ong chúa để thay thế cho những ong chúa già khi nhân đàn ong, nhiều đơn vị còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao; mật độ nuôi ong tại một số địa phương chưa hợp lý, khoảng cách các trại nuôi ong nội và ong ngoại đặt gần nhau và đặt quá dày, dẫn đến tình trạng ong ngoại cướp mật của ong nội, làm các đàn ong nội bị tổn thất nặng nề, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nghề nuôi ong.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn diễn đàn

Để góp phần tìm hướng duy trì tính bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm ong mật, tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nuôi ong, tổng kết Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh đưa ra một số giải pháp:

- Phát triển giống ong chất lượng tốt, năng suất cao, mở hướng nhập khẩu tinh trùng ong đực, ong chúa để chủ động cung ứng phân phối ong giống chất lượng cao trong sản xuất.

- Quy hoạch và bảo tồn vùng trồng cây nguồn mật, phấn và các vụ hoa từ cây ăn quả đảm bảo cho nuôi ong.

- Áp dụng giải pháp kỹ thuật về phát triển nuôi ong bền vững (thực hiện đồng bộ từ công tác giống, thức ăn, kỹ thuật khai thác mật, nuôi ong theo VietGAHP).

- Tăng cường liên kết, thành lập tổ nhóm/hợp tác xã, đồng thời liên kết thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn về phát triển nuôi ong tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc cho người nuôi ong để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu. Đồng thời tuyên truyền để người nuôi ong mật nhận thức được sự có lợi của cây trồng, tạo ra sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa ngành ong và ngành trồng trọt tạo thành hệ sinh thái bền vững.

- Xây dựng ngành hàng ong có chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế giới luôn biến đổi, thị trường luôn biến động, các rào cản và thách thức ngày càng cao, yêu cầu ngành ong phải liên tục áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, thực hành nuôi ong theo VietGAHP để phát triển bền vững, có được sản phẩm mật ong chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vượt qua những rào cản thách thức ngày càng khắc nghiệt để mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như phục vụ tiêu dùng nội địa.

Đại biểu diễn đàn tham quan các mô hình nuôi ong tại TP. Hòa Bình

Nguyễn Thị Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia