Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu rõ mục tiêu của diễn đàn nhằm giúp cho các đại biểu và bà con nông dân nắm được nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính trên toàn cầu nói chung và các nguyên nhân trực tiếp từ sản xuất lúa nói riêng tại Việt Nam; từ diễn đàn này hy vọng các nhà khoa học, cơ quan quản lý và nông dân sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp quan trọng có thể thực hiện được để góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Trong sản xuất lúa, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 70% sản lượng lúa cả nước và cung ứng tới 90% sản lượng xuất khẩu gạo nhưng đồng thời cũng góp phần làm tăng hiệu ứng phát thải khí nhà kính tới 57%. Theo kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu, tác hại gây nên hiệu ứng làm biến đổi khí hậu từ sản xuất lúa bao gồm các yếu tố như: sử dụng giống quá nhiều, bón nhiều phân vô cơ và bón không đúng phương pháp, tưới nước không đúng qui trình kỹ thuật, xử lý rơm rạ ngoài đồng sau khi thu hoạch chưa đúng cách,… Việc canh tác lúa không đúng qui trình kỹ thuật đã góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính, làm tăng thêm nhiệt độ trái đất, làm tăng khả năng băng tan sẽ làm nước biển dâng và kéo theo hiện tượng xâm ngập mặn, ảnh hưởng đến diện tích trồng trọt và biến đổi khí hậu theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Qua trao đổi, Diễn đàn đã giúp cho bà con nông dân thấy được vai trò của việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, sử dụng phân bón và tưới nước đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ giảm phát thải những khí độc cho cây trồng và môi trường.

“1 phải, 6 giảm” là mô hình kết hợp giữa kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới, tổn thất sau thu hoạch) + kỹ thuật trồng lúa giảm phát khí thải nhà kính.

(BBT)

Áp dụng các gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 6 giảm, canh tác lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu, phương pháp ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù (SSNM), quản lý nước tưới tiết kiệm, tưới xen kẽ, quản lý dịch bệnh trong sản xuất lúa đều góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Các giải pháp được khuyến cáo tại diễn đàncũng đồng thời giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản lượng, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Đây cũng là mục tiêu của hàng loạt dự án đã được phê duyệt và triển khai trong chiến lược kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2050.   

Diễn đàn đã có 405 đại biểu tham dự, trong đó có 250 nông dân đến từ các địa phương sản xuất lúa diện tích lớn là: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang. Với số câu hỏi tuy ít, chỉ có 12 câu những rất nhiều nội dung cần trao đổi và ban cố vấn và ban chủ tọa diễn đàn đã thực sự cung cấp cho bà con nông dân những thông tin mới, những giải pháp về quản lý, kỹ thuật thực sự hữu dụng mà bà con nông dân có thể áp dụng ngay trên đồng ruộng của mình trong sản xuất lúa.

Nông dân Hậu Giang trao đổi tại Diễn đàn

Những báo cáo tham luận của các hộ nông dân: Bà Nguyễn Thị Nương (Ấp 7B, Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang), ông Nguyễn Văn Thứ (Ấp 6, xã Vị Tân, Tp. Vị Thanh, Hậu Giang); Ông Trần Văn Quang (Ấp 5, xã Vị Thanh, Huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực giúp bà con nông dân trong vùng có thể làm theo nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tăng thêm thu nhập cho bản thân các hộ nông dân áp dụng.

Tổng kết Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông đã nhấn mạnh vai trò của nông dân, những người trực tiếp thực hiện các giải pháp trong các gói kỹ thuật áp dụng cho sản xuất lúa cần tuân theo khuyến cáo của các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhằm giảm phát thải khí nhà kính đó là: giảm lượng giống gieo; sử dụng các chế phẩm sinh học tiêu hủy rơm ra ngoài đồng; cày phơi ải, tưới nước hợp lý; giảm thuốc bảo vệ thực vật; giảm phân bón hóa học./. 

Vũ Tiết Sơn 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia