Hiện nay, ngành chăn nuôi đang trong tình trạng tự phát nhỏ lẻ, thiếu các biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Hiện tại, trong chăn nuôi khoảng 23% số vật nuôi chưa được quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi chỉ chiếm 16%, trang trại chăn nuôi lớn có xử lý nhưng cũng chỉ xử lý được trên 60%, còn hơn 30% chưa xử lý triệt để vẫn thải ra môi trường. Đó cũng là thông tin đầu tiên mà TS. Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia (TTKNQG) đã đề cập trong lời khai mạc Diễn đàn.

 

 

TS. Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phát biểu tại  Diễn đàn.

 

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, do thu nhập cộng đồng tăng cao về nhu cầu về thịt sữa nên tăng trưởng về số lượng vật nuôi đa số là trâu bò, bò sữa, heo, gà, cũng tăng nhanh. Trong chăn nuôi gà, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con chiếm 55%, trong khi đó số hộ chăn nuôi trên 1.000 con chỉ chiếm 0,78%; trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất, vì vậy cần có những giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi để đảm bảo môi trường sống được trong lành và hạn chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý chất thải chủ yếu là ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt vi sinh vật gây hại, và hiện nay đang đẩy mạnh áp dụng đệm lót sinh học.


Đệm lót sinh học gần đây đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là một tiến bộ khoa học công nghệ mới và là hướng đi mới trong chăn nuôi, từ đó đã có chính sách hỗ trợ tới 50% chi phí đối với những hộ trong mô hình dự án áp dụng kỹ thuật này vào sản xuất chăn nuôi. Sử dụng đệm lót sinh học có thể áp dụng cho chăn nuôi hầu hết các loại gia súc gia cầm như: trâu bò, heo, gà, thỏ, gà vịt, chim cút, chim bồ câu,… Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với việc sử dụng cho các loại cây trồng cho sản phẩm sạch.


Việc sử dụng đệm lót sinh học đã được áp dụng rộng rãi ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và hiện đang áp dụng và phát triển mở rộng trên phạm vi nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo thống kê, ở nước ta, đến tháng 11/2013 đã có 55/63 tỉnh thành áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, tuy nhiên mới chỉ có 729 trang trại được áp dụng trên tổng số 12.427 chuồng trại, chỉ chiếm 6,37%. Tại vùng ĐBSCL công tác xử lý môi trường chăn nuôi chưa tốt và nhất là xử lý bằng sinh học con nhiều hạn chế.


Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại Đồng Tháp với chuyên đề “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở các tỉnh ĐBSCL” là nơi trao đổi, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân nhằm tìm giải pháp, thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đệm lót sinh học vào chăn nuôi tại các tỉnh ĐBSCL mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. 

 

  

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn.

 

Có 40 câu hỏi của bà con nông dân tại Diễn đàn, đã được Ban cố vấn giải đáp thỏa đáng. Những câu hỏi được đặt ra rất thiết thực, đó là những vướng mắc trong thực tế sản xuất cụ thể như: Trường hợp heo không ỉa đái đều mà thường tập trung cùng một chỗ làm cho hệ vi sinh đệm lót không đều, những chỗ không có phân thì bị chai cứng, giải pháp của các nhà khoa học là phải tốn công để ngăn tạm thời, luân phiên cho heo đái ỉa đều trên chuồng nuôi. Những đệm lót trong quá trình nuôi do bị nhiễm bệnh có thể mang ra áp dụng theo qui trình ủ phân và diệt vi khuẩn có hại. Hầu hết các nhóm vi sinh có lợi đều có tác dụng tăng sức đề kháng cho vật nuôi khi phối trộn thức ăn nhưng khi cho vào đệm lót lại có tác dụng phân hủy phân và chất hữu cơ rất nhanh và khử mùi hôi. Khi nuôi gà và heo trong chuồng nuôi có đệm lót sinh học nếu mắc bệnh điều trị hết bệnh không nhất thiết phải thay đệm lót sinh học. Nếu bị dịch bệnh nặng thì có thể mang đệm lót ra ủ theo phương thức yếm khí có bổ sung các hóa chất diệt khuẩn, sau thời gian có thể mang làm phân bón tốt cho cây trồng. Nếu đệm lót không sử dụng phải bổ sung cho hệ vi sinh bằng cách pha trộn cám gạo, bột bắp và tưới đều. Mỗi khi thay đàn vật nuôi mới cần bổ sung hệ men bằng cách tưới thêm men vi sinh với số lượng thấp hơn lần đầu khoảng 30-50%. Mùn cưa của một số cây trồng không nên sử dụng làm đệm lót vì gây độc hại. Khi sử dụng đệm lót không cần phun thuốc sát trùng trong quá trình nuôi. Chăn nuôi gà khi mùn cưa gỗ làm đệm lót có trứng mạt sẽ sinh ra mạt cần phun thuốc sát trùng và để thời gian khi trứng mạt chết sẽ tiếp tục chăn nuôi. Bã mía cũng làm đệm lót được nhưng nhanh bị phân hủy, hàm lượng đường cao nên nhiều kiến rệp và côn trùng nên cần phối trộn với mùn cưa tốt hơn.

 

Toàn cảnh Diễn đàn.

 

Kết luận Diễn Đàn, TS Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Việc ứng dụng đệm lót sinh học là giải pháp kỹ thuật đã được công nhận và thực sự hiệu quả qua trên 6 triệu m2 chuồng trại đã áp dụng thành công. Đệm lót sinh học phù hợp với nhiều đối tượng vật nuôi, giúp giảm công lao động và chi phí thường xuyên trong quá trình nuôi; tiết kiệm điện, nước, giảm ô nhiễm môi trường, cho sản phẩm phân hữu cơ ít gây hại khi sử dụng cho trồng trọt và ngoài môi trường. Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL khi áp dụng đệm lót sinh học còn gặp một số khó khăn như: vật liệu làm đệm lót không thuận lợi, nếu dùng trấu, mùn cưa phải xử lý trước khi sử dụng. Để mang lại hiệu quả cao, cần tuân thủ đúng qui trình áp dụng đệm lót sinh học, các mô hình thành công cần được tổng kết nhân rộng. Các cơ quan nghiên cứu và quản lý có kế hoạch nghiên cứu và khắc phục những tồn tại, vướng mắc để áp dụng vào sản xuất, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp giảm giá thành các loại vật tư. Người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin và quyết định trước khi áp dụng vào sản xuất.

 

 

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, hiện nay, đối với chăn nuôi heo (lợn) bình quân 1-1,2m2 đệm lót cho một con heo; với chăn nuôi gà khoảng 7-8 con/m2 là hợp lý. Độ dày đệm lót trong nuôi bò thích hợp là 30 cm, độ dầy cho chăn nuôi các vật nuôi khác là 60cm, kinh nghiệm cho rằng đệm dày 30 cm và rộng 18 m2 cho một con bò là hợp lý. Đệm lót sinh học chưa phù hợp với chăn nuôi thủy cầm vì ngan, vịt cần có nước, có sân chơi, khi có nước sẽ làm cho hệ vi sinh vật không phát triển được.

 

 

 

Vũ Tiết Sơn - TTKNQG