Mục đích nhằm giúp các tỉnh Nam Bộ có tầm nhìn và nhận thức mới để triển khai thực hiện kịp thời các chính sách, đồng thời cung cấp thêm thông tin giúp bà con nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi heo các tỉnh Nam Bộ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ về giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh và thị trường.

Tham dự diễn đàn là lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Trung tâm Thú y vùng 7, Khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Cần Thơ; cùng lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và 220 nông dân chăn nuôi heo đến từ 07 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương và Đồng Nai. TS Hạ Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn.

Ban Chủ tọa và Ban Cố vấn tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe báo cáo về: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn khu vực Nam Bộ; Tình hình quản lý dịch bệnh trên lợn và các giải pháp phòng chống tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trong chăn nuôi…

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính từ năm 2012 đến tháng 4/2016, chăn nuôi heo trên cả nước liên tục tăng trưởng, tổng đàn tăng khoảng 1,5%, sản lượng bình quân tăng 3,18%; số lượng đàn heo trên 28,3 triệu con, tăng 3,5-4% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng đàn heo của khu vực Nam Bộ đạt trên 6,6 triệu con, chiếm khoảng 25% so với cả nước, cung cấp cho thị trường trên 1 triệu tấn thịt, chiếm khoảng 28% so với cả nước.

Tuy nhiên, chăn nuôi heo cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng, phát triển vẫn chưa bền vững, hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, giá thành cao, chi phí sản xuất cao, các khâu trung gian trong phân phối, các thương lái đẩy giá thành sản phẩm lên cao… Trung bình mỗi khâu đẩy giá thành sản phẩm lên 6-12%; khâu trung gian trong phân phối con giống làm tăng 6-8% giá bán, hệ thống đại lý các cấp trong phân phối thức ăn chăn nuôi khiến người chăn nuôi phải mua thức ăn cao thêm 9-11%. Các chuỗi chăn nuôi heo để bao tiêu thịt heo bền vững còn chưa được nhiều.

Mặc dù có tổng đàn gia súc không thua kém các nước trong khu vực, đứng thứ 2 Châu Á và đứng thứ 6 trên thế giới, song ngành chăn nuôi nước ta đang trong tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nông hộ vẫn khá phổ biến. Theo thống kê đến năm 2011, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có quy mô dưới 9 con chiếm gần 90%, trong đó quy mô dưới 5 con chiếm khoảng gần 80%. Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm về chăn nuôi heo với tỷ trọng nhóm hộ có quy mô chăn nuôi lớn cao hơn hẳn các vùng khác.

Toàn cảnh diễn đàn

Trước ngày diễn ra diễn đàn, nông dân các tỉnh và đại biểu tham dự diễn đàn đã được tham quan trang trại nuôi heo tại xã Thanh An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Ông Ôn Văn Hùng, chủ trang trại chăn nuôi nuôi heo ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cho biết, hiện ông nuôi 208 heo nái, gần 3.000 heo thịt, 1 tháng xuất chuồng khoảng 300 con có trọng lượng bình quân khoảng 100 kg/con, với giá 42-43 ngàn đồng/kg, lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Hiện nay, vấn đề khó khăn ông gặp phải là vấn đề về giá và heo giống. Nuôi heo an toàn không sử dụng chất tạo nạc, heo nhiều mỡ, giá bán thấp. Giống heo trên thị trường tại tỉnh Bến Tre chưa đủ để mua, ông phải mua từ tỉnh khác.

Tại diễn đàn, Ban Chủ toạ nhận được trên 50 câu hỏi tập trung vào các vấn đề như: công tác giống; công tác thú y (sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin, phòng dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải, môi trường, máy tách ép phân trong chăn nuôi…); công thức phối trộn thức ăn trong nuôi heo; chính sách hỗ trợ chăn nuôi, giá cả; xuất khẩu thịt heo; chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi heo... Đa số các thắc mắc của nông dân đã được Ban Chủ toạ giải đáp thoả đáng.


Tham quan mô hình nuôi heo trang trại tại hộ ông Ôn Văn Hùng

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia