Dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), Trung tâm Khuyến nông Hà Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Thường trực UBND huyện Quang Bình, báo Hà Giang, Đài PTTH Hà Giang và 70 hộ nông dân, chủ trang trại, HTX trồng cam tiêu biểu trên địa bàn các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Xác định cây cam, đặc biệt là cây cam sành là cây hàng hóa mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh nên ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách để khuyến khích và khơi thông các nguồn lực tập trung phát triển cây cam theo hướng bền vững, hiệu quả như: Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 01/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 07/1/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành đề án phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;…

Ngành Nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với UBND các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, các cấp ủy - chính quyền xã trong việc rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam nói chung và cây cam sành nói riêng theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích cam là 8.546,8 ha, diện tích cho sản phẩm là 7.382,3 ha, năng suất cam đạt 111,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt là 82.101,7 tấn. Sản phẩm cam sành đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hà Giang”; sản phẩm cam vàng được xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Cam vàng tỉnh Hà Giang”. Cả 2 sản phẩm được cấp tem truy xuất điện tử, bao bì, vỏ hộp truy xuất được thông tin, địa chỉ của các hộ sản xuất đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, cây cam đã và đang khẳng định là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình từ chính cây cam.

Chuyên gia tư vấn cách chăm sóc, bón phân cho cây cam tại mô hình

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về chủ trương, chính sách của tỉnh đối với cây cam; các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc cam để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; các biện pháp kỹ thuật để phát triển cam bền vững như: công tác giống, đất trồng, phân bón, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và chế biến... Cũng tại tọa đàm, các hộ trồng cam tiêu biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về việc nâng cao năng suất, sản lượng, biện pháp quản lý đất, dinh dưỡng, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm cam. Những khó khăn, vướng mắc của của bà con trong quá trình sản xuất đã được các chuyên gia tại tọa đàm giải đáp thỏa đáng.

Trước đó, ngày 7/12/2021, các đại biểu đã đến tham quan mô hình trồng cam VietGAP tại xã Hương Sơn, huyện Quang Bình và được TS. Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn cách bón phân, cách cắt tỉa, tạo tán,…

Việc tổ chức tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức của người trồng cam về áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ từ khâu trồng mới đến kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, chăm sóc, thu hoạch cho cây cam nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.... từ đó khôi phục vị thế của cam sành Hà Giang và cam vàng Hà Giang trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nông Bình Nhu

Trung tâm Khuyến nông Hà Giang