Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu là đại diện một số cục, viện, trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm Khuyến nông 19 tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội, một số doanh nghiệp và đặc biệt là sự có mặt của gần 150 nông dân đến từ 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, cùng với đông đảo phóng viên báo đài trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin về diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Liên kết sản xuất là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, trong đó có liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua đại diện của mình là hợp tác xã, tổ hợp tác, có sự tham gia của Nhà nước và nhà khoa học (liên kết 4 nhà). Trong đó nhà doanh nghiệp là hạt nhân và là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị. Trong nền kinh tế thị trường, chỉ khi nông dân hành động tập thể theo cùng quy trình sản xuất và liên kết lại bằng cách tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới thì mới tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn với giá cả cạnh tranh...

TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2018, cả nước có trên 1.000 chuỗi nông sản an toàn (với trên 1.400 sản phẩm và gần 3.200 điểm bán) được xác nhận và trên 7.000 xã có mô hình liên kết hiệu quả trong nông nghiệp. Khi tạo thành mối liên kết bền vững sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên, gồm cả nông dân và doanh nghiệp tham gia liên kết. Người nông dân được đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn và giảm rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp với lãi suất thấp, tin cậy hơn về chất lượng. Doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ chủ động về nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, chất lượng được quản lý, giá cả ổn định...

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên

Tuy nhiên, hiện nay liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn ít và ngắn. Hình thức liên kết ngang giữa nông nông dân với nhau qua hình thức hợp tác xã kiểu cũ đã lỗi thời, không hiệu quả và cản trở sản xuất phát triển. Doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đa phần yếu về nguồn lực tài chính, đội ngũ cán bộ khoa học và năng lực quản trị, trong khi kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chứa nhiều rủi ro... Do vậy, những hợp đồng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thường dừng lại ở mức độ nguyên tắc, tỷ lệ thành công từ các hợp đồng thường không cao, nhiều trường hợp gây thiệt hại lớn cho các bên...

“Hiện nay, nhà nước, địa phương, ngành nông nghiệp đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho hình thành và phát triển các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhiều mô hình được xây dựng và tuyên truyền nhân rộng ở tất các các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Nhưng những liên kết trong nông nghiệp phần nhiều còn lỏng lẻo, không lâu dài và căn cơ, dễ đổ vỡ”, TS. Trần Văn Khởi cho biết.

Theo TS. Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu Rau quả, thực tế năng lực sản xuất các sản phẩm nông sản ở các địa phương rất tốt, song khâu khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết giữa các tác nhân còn lỏng lẻo và thực sự người sản xuất gặp khó khăn trong khâu định hướng liên kết, phát triển thị trường. Trong bối cảnh như hiện nay khi nhu cầu của người tiêu dùng luôn thay đổi và thị trường trong nước cũng như các thị trường nhập khẩu có nhiều biến động nên việc hỗ trợ người sản xuất trong nước liên kết và phát triển thị trường càng cần thiết hơn bao giờ hết nhằm giúp họ từng bước nâng cao năng lực tham gia vào các chuỗi giá trị được tốt hơn và từng bước tham gia hội nhập toàn cầu. Lực lượng hỗ trợ người sản xuất về kỹ thuật và liên kết phát triển thị trường thường xuyên và lâu dài phải là những cán bộ nông nghiệp tại các địa phương.

Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong bối cảnh sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng nông sản ngày mạnh mẽ, muốn thúc đẩy phát triển thương mại ổn định và bền vững, Việt Nam không chỉ phải làm tốt hơn nữa công tác sản xuất, chế biến nông sản mà còn phải tạo dựng, định vị cho thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới. Để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng và có thể áp dụng khả thi trong thực tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã đề xuất một số giải pháp cơ bản. Trong đó, ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu...

Thăm mô hình sản xuất phân trùn quế tại trang trại Hoa Viên

Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất và thực tiễn tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp... Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Chữ, Chủ tịch Chuỗi thực phẩm Organic Green nhấn mạnh, để một chuỗi liên kết tồn tại ổn định và phát triển tốt thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các khâu từ tiềm lực con người, quản lý, tài chính, công nghệ áp dụng, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Sau 02 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay Chuỗi thực phẩm Organic Green đã có hệ thống phân phối với hơn 100 cửa hàng trên địa bàn nội thành Hà Nội.

Qua trao đổi tại diễn đàn, Ban chủ tọa và cố vấn đã thẳng thắn trả lời, giải đáp các thắc mắc của nông dân, đại diện hợp tác xã về các vấn đề về liên kết tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho nông sản, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất… Một số giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được đưa ra tại diễn đàn, gồm:

- Đẩy nhanh việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, kết hợp với việc nâng cao trình độ quản trị, trình độ chuyên môn về sản xuất cho lao động hợp tác xã.

- Thúc đẩy việc xây dựng các mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị, trước hết với một số nông sản chủ lực quốc gia.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nông dân biết, hiểu và làm theo những mô hình, điển hình sản xuất tiêu biểu, hiệu quả cao. Tuyên dương các HTX, địa phương đạt thành tích xuất sắc trong việc hình thành và phát triển các tổ chức nông dân để xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

- Thực thi đẩy đủ các chính sách của nhà nước hỗ trợ liên kết sản xuất, đặc biệt thực hiện tốt Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thu Hằng - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia