Quang cảnh Diễn đàn.

 

Tham gia Diễn đàn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD); Các viện, trường, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước: Viện Môi trường Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Cần Thơ; đại diện: FAO, ADB, Quỹ bảo vệ môi trường (EDF), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), cùng đại diện nông dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Bình.


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nêu bật những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đời sống kinh tế xã hội nói chung, phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là canh tác lúa, bởi vậy việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính cho từng vùng sản xuất là rất quan trọng. Theo Thứ trưởng, trong các nguồn phát thải khí nhà kính, sản xuất nông nghiệp chiếm 14%. Để giảm phát thải trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến 2020, ngành Trồng trọt sẽ giảm 5,7 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 10% lượng khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt.


Để đạt được kết quả trên, ngành Trồng trọt sẽ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước và chi phí đầu vào; thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ... nhằm hạn chế tối đa việc gây phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

 

Tại Diễn đàn, đại biểu được nghe một số báo cáo và chia sẻ liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính của các đơn vị, như: “Định hướng canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt và chống biến đổi khí hậu” của Cục Trồng trọt; đại diện các Dự án quốc tế tại Việt Nam: EDF, SNV… chia sẻ các kết quả về việc triển khai các dự án giảm khí phát thải tại Việt Nam; đại diện FAO, ADB, IFSARD…chia sẻ các khái niệm CSA, NAMA trong ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ hội và tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường trong chuỗi lúa gạo; khuyến nghị áp dụng canh tác lúa giảm phát thải trong chiến lược tái cơ cấu lúa gạo Việt Nam.


Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm báo cáo kết quả thực hiện dự án: “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp (EC-LEDs)”. Báo cáo tập trung vào các nội dung về giảm khí phát thải trong canh tác lúa và chăn nuôi trâu, bò. Dự án được triển khai ở 4 tỉnh: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thái Bình và Cần Thơ. Kết quả triển khai mô hình ở dự án EC-LEDs cho các địa phương được đánh giá tốt về kỹ thuật thực hiện, chi phí thấp mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân và hiệu quả về giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó các hoạt động lồng ghép với các dự án khác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được các nhà tài trợ đánh giá cao về tính bền vững của dự án.


Kết thúc Diễn đàn các đại biểu thảo luận, đóng góp các ý kiến cho việc triển khai các dự án, xây dựng chiến lược và nhân rộng các quy trình canh tác lúa giảm khí phát thải cho từng vùng sản xuất.

 

Trần Thị Diệu - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.