Diễn đàn được kết nối trực tuyến với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Tại điểm cầu Hà Nội có bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Tại điểm cầu Hải Phòng, ông Nguyễn Ngọc Tuất - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự có đại diện các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. 

Bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐTTKNQG phát biểu tại Diễn đàn
 

Thành phố Hải Phòng hiện có 936 trang trại chăn nuôi, trong đó: 163 trang trại lợn (13 trang trại quy mô lớn, 65 trang trại quy mô vừa, 85 trang trại quy mô nhỏ); 773 trang trại gia cầm (202 trang trại quy mô vừa, 571 trang trại quy mô nhỏ), chiếm 51,82% tổng đàn lợn và 51,14% tổng đàn gia cầm. Có 03 doanh nghiệp lớn đang đầu tư chăn nuôi gia công gia cầm trên địa bàn thành phố: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công (Tập đoàn Dabaco Việt Nam).

Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là nội thành và các tỉnh lân cận: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, một số sản phẩm của công ty lớn được xuất khẩu. Với các trang trại quy mô lớn áp dụng phương thức liên kết sản xuất cơ bản ổn định, còn chăn nuôi quy mô nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, do vậy tính ổn định chưa cao.

Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hải Phòng

Những năm qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi của Hải Phòng được đẩy mạnh, Đặc biệt, mô hình ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đã được áp dụng trên 8 sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên sản xuất chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các hộ chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 70% chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn theo VietGAHP; người chăn nuôi còn ngại thay đổi áp dụng theo những phương thức sản xuất mới; liên kết theo chuỗi sản xuất trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “ Giải pháp chăn nuôi gà hướng hữu cơ theo chuỗi giá trịgắn truy xuất nguồn gốc”, hơn 20 câu hỏi của các đại biểu về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, cơ chế chính sách, xây dựng các chuỗi liên kết, thành lập hợp tác xã; các thủ tục chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở, trang trại chăn nuôi gia cầm… lần lượt được ban chủ tọa, ban cố vấn giải đáp thỏa đáng. Trong chương trình, các đại biểu và hộ dân đã đi thăm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản tại Công ty Cổ phần Giống Gia cầm Lượng Huệ , xã Hồng Phong huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản tại Công ty Cổ phần Giống Gia cầm Lượng Huệ

 

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, an toàn sinh học là giải pháp không những giúp cho người dân chăn nuôi tốt mà còn đảm bảo về mặt môi trường, giảm chi phí, giúp đàn gà sinh trưởng phát triển tốt. Liên kết tiêu thụ sản phẩm là giải pháp tất yếu hiện nay. Giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ là giải pháp đồng bộ, vừa giúp cho tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp cho an toàn dịch bệnh.

Nguyễn Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng