Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra trong Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp chuyên đề “Xử lý chất thải trong chăn nuôi an toàn sinh học vùng đồng bằng sông Hồng” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hải Phòng tổ chức ngày 6/8/2014.

 

Diễn đàn có sự tham gia của đại biểu và nông dân các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

 

Ban chủ tọa và Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Để giúp người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi hiệu quả, TS Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tháng 10/2013, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học Balasa N01 và quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà. Ts cho hay đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và chuyển giao cho hộ nuôi và các địa phương có nhu cầu. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu để tạo ra tập đoàn vi sinh vật hữu ích mới, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chuyên sâu tạo ra nhiều chủng loại men vi sinh và quy trình công nghệ mới phù hợp làm đệm lót sinh học chăn nuôi trong thời gian tới.   

 

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu trao đổi, thảo luận về công tác quản lý, thực trạng xử lý chất thải chăn nuôi; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi hiện có... Hơn 100 câu hỏi của chủ trang trại, nông dân tiêu biểu đến từ các địa phương đã được ban tổ chức, ban cố vấn chương trình là các nhà quản lý, khoa học có uy tín giải đáp. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề: cách ứng dụng công nghệ ủ phân compost, vi sinh vật trong xử lý chất thải chăn nuôi; các mô hình sử dụng khí sinh học và cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho trang trại chăn nuôi có xử lý chất thải bằng hệ thống biogas; cách thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học; hoạt động khuyến nông trong xử lý chất thải chăn nuôi và biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; biện pháp khắc phục những hạn chế trong phát trong ứng dụng công nghệ khí sinh học; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi trong vùng GAHP...

Nông dân đặt câu hỏi tại Diễn đàn

 

Qua Diễn đàn, các đại biểu kiến nghị các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi quy mô nông hộ; điều chỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ ưu đãi, tiếp tục đầu tư kinh phí cho ngành chăn nuôi; các cơ quan quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cải tiến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ xử lý chất thải có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật để xử lý triệt để chất thải chăn nuôi../.

 

Theo kết quả khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tính đến tháng 11.2013, cả nước đã có 730 trang trại, và trên 57.790 hộ chăn nuôi thực hiện làm đệm lót sinh học với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2. Trong đó, chăn nuôi lợn có 28 trang trại, 3.628 hộ gia đình áp dụng và chăn nuôi gia cầm có hơn 700 trang trại và 57.790 hộ áp dụng.

 

Xuân Minh - TTKNQG