Ban chủ tọa Diễn đàn gồm TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang, GS. Ngô Ngọc Hưng – Trường Đại học Cần Thơ. Ban cố vấn Diễn đàn gồm các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành thuộc Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu Đất và Môi trường phía Nam, Trường đại học Cần Thơ.

 

Diễn đàn có sự tham dự của 470 đại biểu là đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông 14 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 250 nông dân các tỉnh trong vùng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón. Có 20 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến tham dự và thông tin về Diễn đàn.

 

Tổ chức Diễn đàn này nhằm đưa ra những giải pháp quản lý, khống chế đất phèn, phương pháp sử dụng các sản phẩm phân bón cho cây trồng để hạn chế đất phèn, nâng cao hiệu quả sản xuất bởi vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 1,2 triệu ha đất phù sa, còn lại gần 2,5 triệu ha đất phèn, mặn, riêng diện tích đất phèn chiếm khoảng 1,6 triệu ha. Phần lớn diện tích đất phèn ở ĐBSCL tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau và một phần của Tây Nam Sông Hậu. Những nỗ lực cải tạo, khai thác đất phèn dùng cho mục đích sản xuất nông lâm nghiệp đã bắt đầu từ những năm 1960 và rất mạnh mẽ từ thập niên 1980 đến nay. Cùng với phát triển hệ thống thủy lợi dẫn ngọt xả phèn, các biện pháp kỹ thuật như cày ải vụ xuân, luân canh cây trồng lúa – màu, bón vôi cải tạo đồng ruộng... Hệ thống khuyến nông đã hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong việc cải tạo đất phèn hiệu quả như bón vôi, lân, lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, sử dụng phương pháp sạ ngầm... đặc biệt là kỹ thuật bón phân cải tạo đất trên đất phèn. Những phương pháp trên cơ bản đã khống chế được đất phèn tiềm tàng, sau 30 năm đã cải tạo được khoảng 260.000 ha. Thực tế hiện nay đất phèn hoạt động lại có xu hướng tăng do thực hiện biện pháp luân canh, canh tác không hợp lý. Từ những giải pháp đã làm, trong đó phương pháp sử dụng phân bón cho cây trồng phải kết hợp đồng bộ để hạn chế đất phèn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – GĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đánh giá cao công tác tổ chức của Diễn đàn, đây là Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, sự tham gia đông đảo của bà con nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL. Nhiều báo cáo khoa học được thông tin tại Diễn đàn (40 báo cáo) đã cung cấp nhiều thông tin rất cần thiết cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân. Qua các báo cáo trình bày và 46 câu hỏi thảo luận giữa Ban cố vấn và các đại biểu, để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các tỉnh trong vùng cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nhận thức rõ hơn về đất phèn vùng ĐBSCL vì đây là vùng ven biển nên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Từ đó quá trình canh tác phải có nhiều giải pháp để rửa phèn, ém phèn.

 

Thứ hai, Nhà nước cần quan tâm đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống thủy lợi hợp lý nhằm thau chua rửa mặn phèn và xâm nhập mặn. Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống giao thông, cầu cống, bến bãi cho các vùng đất phèn.

 

Thứ ba, lựa chọn giống và nhóm giống cây trồng thích ứng với đất phèn. Sử dụng các giống cây trồng có khả năng kháng phèn, chịu phèn. Sử dụng hệ thống hữu cơ vi sinh nhằm tăng cường kháng hữu cơ, làm giảm độc tố trong đất phèn.

 

Thứ tư, thiết kế cải tạo đồng ruộng và kỹ thuật làm đất, kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế độc phèn và tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Bố trí thời vụ để hạn chế thời điểm phèn lên cao.

 

Thứ năm, áp dụng biện pháp giảm độc phèn và cải thiện độ phì nhóm đất phèn: đối với đất lúa tăng cường hiệu quả bón phân, bón vôi; đối với đất canh tác cây trồng cạn phải lên liếp, có mương xả phèn, xả lũ, bón vôi, bón phân hữu cơ khác.

 

 

Thu Hằng - TTKNQG