Biến đổi khí hậu trở thành một mối lo ngại của nhân loại toàn cầu. Nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm trong ngoại trừ trong số đó. Thực hiện nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ, Bộ NN & PTNT đã có ban hành Kế hoạch hành động chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện chủ trương này, Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn KN@NN với chủ đề: “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.


Tham dự Diễn đàn có 240 đại biểu đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Kiểm lâm, Lâm nghiệp và bà con nông dân của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đến dự và đưa tin cho Diễn đàn còn có đại diện của 8 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

 

Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta đã tăng trung bình 0,70C; nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến năm 2009 đã lên tới khoảng 2,7 tỷ USD. Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2011, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, và trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập. Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa trong tổng số khoảng hơn 4 triệu ha hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Biến đổi khí hậu làm thay đổi khả năng thích nghi của các đối tượng nông nghiệp với điều kiện thời tiết khí hậu; thay đổi cơ cấu mùa vụ; gia tăng sâu bệnh; giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; làm suy thoái tài nguyên đất; tăng thêm nguy cơ diệt chủng của một số loài thực vật hoặc làm biến mất các nguồn gen quí hiếm.

 

Toàn cảnh Diễn đàn


Tại Diễn đàn, Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm KNGQ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, Viện Khoa học Lâm nghiệp NTB và TN đã cung cấp thông tin khái quát về tình hình, hiện trạng cũng như những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu mà trong đó phát triển rừng bền vững là một trong những giải pháp trọng yếu.


Đã có trên 30 câu hỏi được trao đổi tại Diễn đàn xoay quanh các vấn đề như: chính sách chi trả dịch vụ môi trường, khoanh nuôi bảo vệ rừng; giảm suy thoái rừng, phát triển sinh kế...

 

Ban chủ tọa tại Diễn đàn

 


Tổng kết Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm KNQG nhấn mạnh: trong công tác phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cần tăng công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân ở địa phương. Cần chỉ rõ suy thoái rừng, những tác động làm xâm hại rừng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân sở tại. Phát triển rừng bền vững không những tạo công ăn việc làm cho người nông dân mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, cũng như an ninh xã hội tại địa phương;


Để người dân hưởng ứng và tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững phụ vụ chủ trương tán tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cần lưu ý một số giải pháp cụ thể:


Giải pháp về chính sách: Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và xây dựng quy hoạch về phát triển rừng từ đó phân loại và giao đất, giao rừng đúng mục đích sử dụng, có chính sách, chế tài hợp lý thúc đẩy người trồng rừng bảo về và phát triển rừng bền vững;


Chú trọng các giải pháp kỹ thuật như chất lượng giống, quy trình kỹ thuật, các biện pháp lâm sinh, bảo vệ…


Các giải pháp tổ chức: Tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu các sản phẩm từ rừng hướng tới đa mục đích sử dụng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu. Xây dựng đồng bộ các giải pháp quản lý từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Gắn kết các tổ chức, hội đoàn thể chung tay trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững;


Nguồn lực đầu tư phát triển rừng phải huy động từ nhiều nguồn như ngân sách trung ương, địa phương, vay vốn, thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, huy động nguồn lực từ người dân.

 

Hoa Trà