Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 280 đại biểu đến từ 8 tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có 190 nông dân trực tiếp sản xuất. Ở phần thảo luận, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ và đối thoại trực tiếp với đại biểu qua gần 40 câu hỏi tập trung vào vấn đề liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Toàn cảnh Diễn đàn

Hiện trạng phát triển sản xuất cây ăn trái vùng ĐBSCL

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT), diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL năm 2015 là 307,06 nghìn ha, chiếm 37,5% diện tích, năng suất, chất lượng cây ăn trái của cả nước. Diện tích này có xu hướng tiếp tục tăng, nhưng mức độ tăng chậm, khoảng 1- 2%/năm so với giai đoạn 2001-2003 từ 10-12%/năm, nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới.

Thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn, các tỉnh, thành trong vùng đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, thâm canh theo hướng GAP, xử lý cho trái rải vụ,… Toàn vùng hiện có khoảng 9.400 ha thanh long, trên 150 ha xoài, gần 50 ha sầu riêng, 120 ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất cây ăn quả ở nhiều địa phương còn phân tán, manh mún, không theo quy hoạch, việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều; khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít, đã ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập, liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; vai trò doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất còn mờ nhạt; cơ sở chế biến, bảo quản chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản xuất theo GAP chưa được quan tâm đúng mức.

Sự cần thiết liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Theo Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN & PTNT) toàn khu vực ĐBSCL hiện có 69 hợp tác xã sản xuất cây ăn trái với 4.022 thành viên và 489 tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái với 12.722 thành viên; tạo việc làm cho 25.254 lao động thường xuyên. Tổng diện tích sản xuất của thành viên các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực cây ăn trái là 7.662 ha, chiếm 4,1% tổng diện tích đất nông nghiệp canh tác trong vùng.

Nhiều hợp tác xã đã thực hiện tốt việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho thành viên hoạt động hiệu quả, giúp cải thiện thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho thành viên cũng như góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, như các hợp tác xã nông nghiệp: Phước Trung, Thạnh Phước (Hậu Giang); Hòa Lộc, Mỹ Lương, Sầu riêng Ngũ Hiệp, Sơ ri Bình Ân, Sơ ri Gò Công Đông, Thanh long Mỹ Tịnh An, Ca cao Chợ gạo (tỉnh Tiền Giang); Long Hội, Vạn Thành, Dương Xuân, thanh long Tầm Vu, thanh long Long Trì, chanh Bến Lức, chanh Thạnh Hòa, chanh Thuận Bình (tỉnh Long An); chanh Bình Thạnh, xoài Mỹ Xương (tỉnh Đồng Tháp); Bưởi 5 roi Kế Thành (tỉnh Sóc Trăng) ...

Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm liên kết trong tiêu thụ trái cây tại Diễn đàn

Ông Võ Chí Thiện - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Mỹ Tịnh An - ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: Trước đây do đặc điểm sản xuất cá lẻ, manh mún, mang tính chất tự phát nên người nông dân rất khó chủ động đầu ra, luôn bị thương lái ép giá hoặc được mùa mất giá. Sự ra đời của HTX Thanh long Mỹ Tịnh An xuất phát từ nhu cầu thực tế và lợi ích chung các thành viên liên kết lại nhằm phát huy sức mạnh tập thể, trên cơ sở tự nguyện tham gia nhằm phát huy lợi thế và thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo” nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang và là 1 trong 7 loại trái cây đặc sản của Việt Nam. HTX cam kết bao tiêu giá sàn là 10.000 đồng/kg quanh năm, đảm bảo giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường từ 2.000 - 4.000 đồng/kg trở lên. Trong năm 2014, HTX đã cung cấp, gia công, đóng gói khoảng hơn 300 tấn hàng xuất đi Mỹ, Hà Lan, Đức, I-ta-ly, Bỉ, Na-uy, Thụy Sĩ… đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng, với giá thu mua cao hơn thị trường từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. 

Thăm cơ sở sơ chế thanh long của HTX Thanh long Mỹ Tịnh An 

Vai trò của khuyến nông trong chuỗi liên kết

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm KNQG nhấn mạnh: Hiện tại, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những loại quả chủ lực với lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ có sự góp mặt của nhiều loại quả đặc sản vùng ĐBSCL là: thanh long, dừa, dứa, mít, bưởi, xoài, sơ-ri... Dự kiến lần đầu tiên, Việt Nam sẽ đạt mức xuất khẩu mặt hàng này trên 2,5 tỷ USD/năm, vượt qua cả lúa gạo. Để sản xuất và tiêu thụ trái cây ổn định cần quan tâm từ khâu chọn giống, chú trọng công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng, với biến đổi khí hậu, cho năng suất, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường kỹ thuật canh tác. Cần tăng cường liên kết (liên kết ngang: nông dân – tổ nhóm – hợp tác xã; liên kết dọc: doanh nghiệp – đại diện nông dân) có lợi ích chung tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, tạo dựng thương hiệu, ổn định về sản xuất và tiêu thu, mang lại lợi ích cho người sản xuất và chất lượng sản phẩm trái cây an toàn.

Trong thời gian tới hệ thống khuyến nông cần phối hợp tốt với các cơ quan nghiên cứu để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng và diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất cây trồng và sản phẩm có chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh... để huy động các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thăm mô hình liên kết sản xuất bưởi da xanh áp dụng VietGAP

Bích Dương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video về Diễn đàn tại đây