Ban Chủ tọa, Ban Cố vấn diễn đàn

Diễn đàn thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu đại diện một số cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và nông dân sản xuất lúa của 8 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà vinh, Tây Ninh, Đồng Nai và Long An. Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Văn Thiệp - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đồng chủ trì diễn đàn.

Dịch bệnh bùng phát

Theo Cục Bảo vệ thực vật, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng thành dịch tại các tỉnh phía Nam kể từ năm 2006. Diện tích nhiễm rầy nâu, bệnh VL-LXL gia tăng trong năm 2006-2008. Từ năm 2009-2016, diện tích lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL giảm dần và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, đến năm 2017 rầy nâu và bệnh VL-LXL phát sinh gây hại  tại nhiều địa phương và có nguy cơ bùng phát gây hại thành dịch nếu không có các giải pháp phòng chống kịp thời. Trong vụ Hè Thu 2017, diện tích lúa nhiễm rầy là 32.790ha (tăng 12.761ha so với cùng kỳ 2016), chiếm 1,85% diện tích gieo sạ, trong đó có 3.234ha nhiễm nặng. Toàn vùng hiện có 8.291ha nhiễm bệnh VL-LXL (tăng 8.262ha so với cùng kỳ 2016) chiếm 0,47% diện tích, trong đó diện tích nhiễm nặng 3.039ha, diện tích mất trắng 30ha.

Về nguyên nhân bùng phát rầy nâu, bệnh VL-LXL, ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) nhận định: “Thứ nhất là, hiện nay các giống lúa sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ hầu hết là giống nhiễm. Thứ hai là trong thâm canh, nông dân sử dụng rất nhiều phân đạm, lạm dụng phân đạm góp phần cho sự bùng phát rầy nâu. Thứ ba là gieo sạ quá dầy >150kg/ha, gieo sạ ko theo lịch né rầy... Kế đến là nông dân đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, rầy nâu đã kháng nhiều loại thuốc do đó hiệu quả phòng trừ rầy nâu kém dần. Hiện nay, nguồn bệnh vẫn còn trên đồng ruộng rất nhiều (trên 8.000ha lúa đang bị nhiễm VL-LXL), đáng quan ngại nhất là rầy di trú mang mầm bệnh VL-LXL với tỷ lệ rất cao (trên 68%)…”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lân - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Long An cho rằng: Sau hơn 10 năm bệnh VL-LXL được quản lý tốt, nông dân có phần hơi chủ quan “xé rào” không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, không gieo sạ tập trung đồng loạt, không đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa. Nên vụ Hè Thu 2017, tỉnh Long An vẫn có 87.000 ha gieo sạ ngoài lịch. Đặc biệt tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa và Tân Thạnh sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân nông dân tiếp tục xuống giống lúa hè thu sớm đã gây bùng phát bệnh VL-LXL với tổng diện tích nhiễm VL-LXL hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An là 1.915 ha. Bên cạnh đó, nông dân có khuynh hướng sạ dày trở lại, bón nhiều phân đạm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng bùng phát rầy nâu, bệnh VL-LXL.

Biện pháp phòng, chống

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp để phòng, chống rầy nâu và bệnh VL-LXL hiệu quả. Theo ông Lê Quốc Cường, để bảo vệ diện tích lúa Hè Thu 2017 đảm bảo năng suất, sản lượng; cắt được nguồn rầy nâu và bệnh VL-LXL lây sang cho vụ Thu Đông 2017 và vụ Đông Xuân 2017 - 2018, cần kiểm tra rầy nâu và bệnh VL-LXL trên tất cả các trà lúa, nắm vững diện tích bị nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; những diện tích nhiễm bệnh và có mật độ rầy nâu cao cần phun thuốc và tiêu hủy; đặc biệt cần kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không để rầy nâu bùng phát…

Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, rầy nâu là sinh vật gây hại luôn hiện diện trên đồng ruộng. Tỷ lệ rầy nâu di trú mang mầm bệnh vi-rút càng nhiều và tới ruộng càng sớm thì nguy cơ xuất hiện bệnh VL-LXL càng sớm, khả năng gây thất thoát năng suất càng cao, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh càng lớn. Vì vậy, để phòng chống rầy nâu, VL-LXL, ThS Nguyễn Thị Phong Lan - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo: Các địa phương phải tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Xuống giống tập trung, thời gian gieo sạ không được kéo dài quá 2 tháng, đảm bảo thời gian cách giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần. Sử dụng giống lúa có tính chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL. Vệ sinh đồng ruộng là giải pháp quan trọng để cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh. Áp dụng biện pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong canh tác thâm canh lúa, sử dụng phân đạm hợp lý để cây lúa có khả năng chống chịu với sâu bệnh. Ứng dụng công nghệ sinh thái, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học như nấm xanh khi rầy xuất hiện mật độ thấp để duy trì liên tục nguồn thiên địch và tác nhân sinh học trên đồng ruộng, hạn chế rầy nâu bùng phát mật độ. Trong tình hình rầy nâu có mang mầm bệnh vi rút cần phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt rầy di trú bằng các loại thuốc phù hợp.

Kết luận diễn đàn, Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia - Trần Văn Khởi đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; mở các lớp tập huấn cho nông dân với chuyên đề sâu về dịch bệnh để nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Chi cục Trồng trọt - BVTV và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cử cán bộ bám sát đồng ruộng, thực tế sản xuất để nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời…

Toàn cảnh diễn đàn

Ông Nguyễn Văn Cẩm - nông dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đang trao đổi tại diễn đàn

Nguyệt Ánh