Thời gian gần đây “bài toán” tìm cách đưa ngành chăn nuôi vượt qua thách thức từ hội nhập đang làm nóng dư luận xã hội. Trong bối cảnh đó, ngày 21/10/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tình hình hội nhập quốc tế khu vực phía Bắc”. Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu tham dự, đặc biệt là đông đảo bà con nông dân, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các tỉnh trong vùng (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ninh và Phú Thọ).

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Lợi thế của ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp nước ta, đứng thứ 2 sau trồng trọt về đóng góp giá trị sản xuất cho cả nước. Tổng GDP từ ngành chăn nuôi chiếm khoảng 35% tổng GDP của toàn ngành, đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55 - 58 triệu người, chiếm 60 - 63% dân số năm 2014. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2015, cả nước có khoảng 2,52 triệu con trâu, 5,36 triệu con bò, 27,75 triệu con lợn; đàn gia cầm có 341,9 triệu con. Hiện ngành chăn nuôi Việt Nam có sản lượng thịt gia súc đứng thứ nhất khu vực ASEAN, thứ 2 châu Á, thứ 6 thế giới; sản lượng thịt gia cầm đứng thứ 2 khu vực và là một trong 10 quốc gia có sản lượng vịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.

Theo Cục Chăn nuôi, tại các tỉnh miền Bắc có số đầu gia súc gia cầm, các sản phẩm chăn nuôi và giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước. Hiện nay đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung theo các đối tượng vật nuôi: vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều chăn nuôi lợn, gia cầm; các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc chăn nuôi trâu. Uớc tính tổng giá trị các sản phẩm chăn nuôi các tỉnh miền Bắc năm 2015 là 122,94 ngàn tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của cả nước (trong đó: giá trị của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 28,7% và của các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc chiếm 15,2% giá trị của cả nước).

Tại nhiều địa phương ở miền Bắc, chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức như: doanh nghiệp, trang trại, nông hộ chăn nuôi. Có nhiều nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú với doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, đóng góp tích cực cho nền kinh tế của địa phương. Nhiều nơi đã hình thành sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu như: gà đồi Yên Thế; lợn sạch Tân Yên ở Bắc Giang; sữa bò Ba Vì; lợn rừng Hoa Viên ở Thạch Thất, Hà Nội; trâu Bảo Yên ở Lào Cai...

Tham quan trang trại chăn nuôi gà giống của hộ ông Đào Xuân Hải, ở xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc


Khu chế biến thức ăn cho gà của ông Đào Xuân Hải

Thách thức của ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, ngành chăn nuôi của cả nước nói chung và tại các tỉnh phía Bắc nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, quy mô sản xuất còn manh mún, tự phát, hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (69,9%). Mặc dù có tổng đàn gia súc không thua kém các nước trong khu vực, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 6 thế giới nhưng ngành chăn nuôi nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Là quốc gia có tổng đàn lợn đứng thứ 4 thế giới nhưng xuất khẩu thịt lợn rất ít, chỉ dưới 5% tổng lượng thịt sản xuất trong khi nhập khẩu về ngày càng tăng. Sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu nước ngoài. Quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu; tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm chăn nuôi đang ở mức báo động, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín và thị trường tiêu thụ, làm giảm khả năng cạnh tranh. Những hạn chế này đã và đang gây ra những bất lợi cho ngành chăn nuôi nước ta khi bước vào "sân chơi" hội nhập.

Thăm quan mô hình sử dụng máy ép phân xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại tại hộ ông  Bùi Thanh Tiến, xã Quang Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì tái cơ cấu ngành chăn nuôi đang được ưu tiên. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và sự tham gia vào cuộc của các ngành và địa phương, chăn nuôi đang biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh; trong đó chú trọng thực hiện giải pháp về giống, tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cũng như các giải pháp tổ chức sản xuất.

TS Hạ Thúy Hạnh cũng thông tin thêm về các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2013, Trung tâm đã triển khai và quản lý 10 dự án khuyến nông trung ương lĩnh vực chăn nuôi, quy mô 519.834 con, với 6.092 hộ tham gia. Các dự án được triển khai đã tập huấn kỹ thuật cho 23.816 lượt người trong và ngoài mô hình; Tổ chức cho 12.443 lượt người tham quan nhân rộng mô hình. Giai đoạn 2012-2016, Trung tâm tiếp tục triển khai 7 dự án, với quy mô 249.193 con, 7.714 hộ tham gia. Trong đó có những dự án như: “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”; “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạovà vỗ béo bò thịt trong nông hộ”; Xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính (LED)”; “Mô hình nhân rộng lợn Pietrain kháng stress và lợn lai PiDu vào phục vụ sản xuất lợn siêu nạc ở miền Bắc”…

Đông đảo các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tại diễn đàn, Ban Chủ tọa nhận được trên 70 câu hỏi, trong đó có 50 câu hỏi được giải đáp, tập trung vào các nhóm nội dung chính như: Con giống, kỹ thuật chăn nuôi; Thú y, dịch bệnh; Thị trường tiêu thụ; Chính sách hỗ trợ; Quản lý chất thải chăn nuôi; Vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản; Thông tin về hội nhập. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực với các giải pháp trọng tâm như: cần nghiên cứu chọn lọc và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa; tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh, khuyến khích xã hội hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển chăn nuôi; tăng cường đào tạo kỹ thuật viên, người chăn nuôi chuyên nghiệp; bên cạnh đó cũng cần quan tâm quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo TS. Nguyễn Trung Kiên - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, cần xây dựng tính minh bạch cho hệ thống thông tin thị trường, đặc biệt là cập nhật và hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tập quán chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Phát triển và xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm chăn nuôi là các đặc sản vùng miền, địa phương. Nhà sản xuất và xuất khẩu không được phép che giấu bất kỳ vấn đề hư hỏng hay kém chất lượng nào trong sản phẩm, thông tin trên nhãn mác phải chân thực, rõ ràng và không gây hiểu nhầm, sai lệch về sản phẩm.

TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận Diễn đàn

 

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi ở khu vực phía Bắc góp phần tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị cần thực hiện một số việc sau:

- Về chính sách: Cần tăng cường xây dựng các chính sách về đất đai; chính sách đầu tư, tín dụng; chính sách hỗ trợ sản xuất nhằm từng bước chuyển đổi chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi trang trại công nghiệp.

- Về khoa học kỹ thuật:

+ Tăng cường quản lý con giống, nghiên cứu chọn lọc và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa. Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nhập khẩu các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt về Việt Nam.

+ Tăng cường nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.

- Về công tác thú y:

Tăng cường quản lý vệ sinh thú y, quản lý dịch bệnh. Thực hiện nghiêm quy trình giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm từ xã đến tỉnh, đặc biệt hệ thống báo cáo định kỳ, đột xuất về dịch bệnh; xây dựng hệ thống quản lý thông tin về dịch bệnh từ thôn xóm, các hộ chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi trang trại.

- Về tổ chức sản xuất:

+ Tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

+ Có chính sách và khuyến khích việc liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

+ Hướng dẫn người chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các gia trại, trang trại chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Công tác thông tin tuyên truyền:

+ Tăng cường đào tạo tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính; đưa các giống vật nuôi thích ứng tốt với biến đổi khí hậu vào sản xuất.

+ Tăng cường các hoạt động của câu lạc bộ khuyến nông, tạo phong trào, đạo đức người chăn nuôi.

+ Tăng cường dự báo biến động về giá cả thị trường giúp người chăn nuôi định hướng phát triển sản xuất./.

Xem clip về Diễn đàn tại đây

Thu Hằng - Nguyễn Mai

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia