Mặc dù kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2018 có tăng trưởng so với năm 2017 là 3% về diện tích và 6,3% về sản lượng, tuy nhiên, trong năm 2018, ngành tôm Việt Nam chưa phát huy hết thế mạnh của ngành so với các nhóm sản phẩm chính, đồng thời chưa tạo được giá cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia,... dẫn đến ngành tôm chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD (giảm 7,8% so với năm 2017). Một số thị trường xuất khẩu chính bị giảm kim ngạch xuất khẩu như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông.

Nhằm kết nối đơn vị sản xuất giống với người nuôi tôm thương phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm, đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững, ngày 25-26/4/2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận tổ chức diễn đàn “Nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm”.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút 210 đại biểu tham gia đến từ 9 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Bạc Liêu. Tại diễn đàn, các chuyên gia trong Ban cố vấn đã trả lời thỏa đáng 37 câu hỏi của nông dân nuôi tôm tập trung vào các nội dung liên quan: quản lý con giống; kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống; quản lý dịch bệnh; mua và cung ứng giống; vay vốn ngân hàng nuôi tôm và xử lý môi trường nuôi tôm...

Ban chủ tọa, Ban cố vấn giải đáp các câu hỏi đặt ra tại diễn đàn

Với diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của nước ta hàng năm khoảng 720.000ha, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, trong đó 100 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ giống tôm sú. Năm 2018, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt trên 762.000 tấn; cả nước có khoảng 2.400 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 600 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; sản lượng tôm giống sản xuất là 120 tỷ con. Khu vực sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm trọng điểm của nước ta là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2018, ngành tôm vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững như: Vấn đề tôm bố mẹ ở nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, chưa chủ động cung ứng giống vào mùa cao điểm thả giống; Giá thành sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia; Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam; Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo; Công nghệ vùng nuôi tôm hiện đang rất hạn chế, đặc biệt tại các vùng nuôi quảng canh do chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; Nền sản xuất manh mún, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá, ...

Để hạn chế thiệt hại trong nuôi tôm, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng hợp các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm như sau: thiết kế ao nuôi đồng bộ; lựa chọn con giống chất lượng ở cơ sở có uy tín; tạo thức ăn tự nhiên, gây màu trước khi thả tôm; duy trì vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả tôm; tăng sức đề kháng cho tôm, thực hiện phòng hơn chống, như bổ sung vitamin C, tỏi tươi, thảo dược khác; quản lý thức ăn, môi trường nuôi tốt...  

Ông Kim Văn Tiêu- Phó giám đốc TTKNQG phát biểu tại diễn đàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị: Đối với các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt quy hoạch và đầu tư cơ sở vùng nuôi tôm, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi, an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường; Đối với cơ quan nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu con giống sạch bệnh, kháng bệnh, tiến bộ kỹ thuật mới để chuyển giao cho bà con nông dân; Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã cần xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội,... tổ chức đào tạo cho nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

Các đại biểu tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất tôm giống tại Công ty Cp Đầu tư S6 - xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận 

Đỗ Tuấn - Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia