Diễn đàn thu hút trên 200 đại biểu tham dự, trong đó có 140 đại biểu là nông dân đến từ 5 tỉnh có diện tích trồng sắn tập trung là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định và Phú Yên.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Phát biểu khai mạc, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, diễn đàn sẽ là nơi để các đại biểu và nông dân được nghe các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nông dân điển hình trao đổi về một số giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn; các tiến bộ kỹ thuật trong cải tạo đất, sử dụng giống mới, cơ giới hóa sản xuất,.. nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sắn; chính sách thu mua và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ở Việt Nam, sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Diện tích trồng sắn nhiều thứ ba, sau lúa và ngô. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2019, diện tích sắn cả nước đạt 519,5 nghìn ha, năng suất trung bình đạt 19,46 tấn/ha. Trong đó, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt diện tích khoảng 264,4 nghìn ha (tăng so với năm 2018 là 17.363 ha), chiếm 50,9% diện tích của cả nước, năng suất trung bình đạt 19,40 tấn/ha.

Vai trò của cây sắn đã dần chuyển đổi từ cây lương thực sang cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học có tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sắn cũng như các sản phẩm từ sắn đang tăng cao, ổn định và có thị trường đầu ra tốt. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2018 đạt 2,4 triệu tấn, giá trị khoảng gần 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm, điều chỉnh nhằm phát triển bền vững, ổn định, nâng cao giá trị của cây sắn và phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

TS. Hồ Huy Cường – Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho rằng, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng đối với nước ta nói chung cũng như khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng. Hệ quả là hạn hán và lũ lụt xảy ra ngày càng khốc liệt nên việc triển khai sản xuất sắn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giai đoạn xuống giống thường gặp hạn hán và thu hoạch gặp mưa lụt. Do vậy, để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sản xuất sắn bền vững, trong canh tác đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và hợp lý.

Giai đoạn thu hoạch sắn thường hay gặp mưa lụt

 

Để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế và ổn định thu nhập cho nông dân trồng sắn, ở khía cạnh khoa học công nghệ, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã và đang tập trung nghiên cứu và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng: Tuyển chọn bổ sung bộ giống sắn mới có thời gian sinh trưởng phù hợp, năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu khá với các sâu, bệnh hại chính như bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá do virus và rệp sáp bột hồng; Các giải pháp nhân giống sắn chất lượng tốt, sạch bệnh; Hạn chế xói mòn rửa trôi đất canh tác sắn ở khu vực trung du đồi núi; Bổ sung và cải thiện dinh dưỡng khoáng đa, trung lượng và chất hữu cơ đối với canh tác sắn cả ở khu vực trung du đồi núi và đồng bằng.

Theo đánh giá, cơ cấu giống sắn tại các địa phương đã có sự thay đổi lớn. Các giống sắn có năng suất thấp đã được thay thế bằng một bộ giống sắn mới có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, được gieo trồng chủ yếu để phục vụ chế biến công nghiệp mới như: KM60, KM94, KM95, SM937-26, KM98-1 và KM140, KM98-7. Hiện các giống sắn mới đang là giống chủ lực tại các tỉnh, vùng trồng sắn nguyên liệu với khoảng 75% tổng diện tích sắn cả nước (trên 400.000 ha). Chính sự có mặt của các giống sắn thế hệ mới đã tạo nên bước đột phá về năng suất, sản lượng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm khác chế biến từ sắn.

Trước tình hình dịch bệnh khảm lá sắn gây hại nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất sắn thì việc tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh và xây dựng các cơ sở nhân giống sắn sạch bệnh tại các địa phương là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao thì tiêu chí thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng rải vụ cung cấp củ tươi cho công nghiệp chế biến đang được tập trung nghiên cứu.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn qui mô công nghiệp vừa và lớn tập trung hầu hết ở các tỉnh, vùng trồng sắn trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch của nông dân không kết hợp với kế hoạch thu mua, chế biến của nhà máy làm tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch rất cao, chất lượng sản phẩm bị giảm thấp.

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sắn còn lỏng lẻo

 

Ông Lê Ngọc Hinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến tinh bột sắn cho biết: hiện nay Công ty đã có 15 nhà máy sản xuất tinh bột sắn, với tổng năng lực chế biến hơn 450.000 tấn sản phẩm/năm. Tại Quảng Ngãi, Công ty có 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn đặt tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà với vùng nguyên liệu hiện có khoảng 18.000 ha. Hiện, các nhà máy sản xuất vẫn thiếu ổn định về nguồn nguyên liệu. Do đó, thời gian tới, Công ty tiếp tục đồng hành với người dân trồng sắn xây dựng những vùng nguyên liệu sắn bền vững, bao tiêu toàn bộ sắn cho bà côn nông dân.

Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều nông dân trồng sắn còn băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm và giá bao tiêu của nhà máy. Sắn được nông dân trồng chủ yếu trên ruộng 1 vụ, điều kiện canh tác khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch nhà máy không tiêu thụ hết, sắn đã được nhổ lên không được thu mua kịp thời nên bị thối hỏng, giảm chất lượng.

Trên những khó khăn mà người trồng sắn nêu ra, Diễn đàn đã đưa ra một số giải pháp như sau: Quy hoạch vùng trồng sắn tập trung theo hướng linh hoạt, có đầu tư thâm canh, với quy mô thích hợp (khoảng 500.000 ha). Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao cho sản xuất bộ giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp trong việc trồng rải vụ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động tối đa công suất. Về gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, các nhà máy cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định...

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn đưa ra nhiều giải pháp giúp bà con trồng sắn khắc phục khó khăn

Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều ngày 1/12/2020, các đại biểu đã tham quan nhà máy sản xuất tinh bột mì tại xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

 

 

 

Phan An