Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi; Đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ; đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; đại diện các doanh nghiệp, đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, một số lãnh đạo xã, các hợp tác xã và 70 hộ nông dân đến từ các huyện. Đến dự và đưa tin còn có báo Kinh tế nông thôn, báo Quảng Ngãi, đài phát thanh và truyền hình Quảng Ngãi.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Việc tổ chức tọa đàm là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi với nông dân về những vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, địa hình để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo mối liên doanh, liên kết gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe các báo về tình hình sản xuất và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa kém hiệu quả của tỉnh Quảng Ngãi; một số mô hình chuyển đổi cây trồng; một số giống cây trồng mới thích hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; những thuận lợi và khó khăn trong đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ở Quảng Ngãi, lúa là cây lương thực chủ yếu. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 38.000 ha được gieo sạ từ 1 đến 2 vụ , phân bố chủ yếu ở các huyện đồng bằng  như: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, tình hình thời tiết vụ Hè Thu diễn biến thất thường, nắng nóng, khô hạn xảy ra gay gắt vào đầu vụ trên diện rộng đã làm giảm năng suất một số loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa ở những vùng bị khô hạn do thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn. Một số diện tích đất lúa vụ Hè Thu phải dừng sản xuất hoặc kéo giãn thời vụ gieo trồng. Do đó, việc chuyển đổi từ diện tích đất lúa thiếu nước ở vụ Hè Thu sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày, sử dụng ít nước là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với chủ trương của tỉnh.

Trong giai đoạn từ 2016-2020, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt 6.153,4 ha, năm 2021 là 747,81 ha. Theo thống kê, không chỉ giúp hiệu quả kinh tế tăng trung bình gần 20 triệu/ha so với trồng lúa, mà việc chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn còn góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, việc chuyển đổi này được chính quyền các địa phương và nông dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Có thể nhận thấy, chủ trương, chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là đúng đắn và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với nguồn kinh phí của tỉnh, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để khuyến khích người dân chuyển đổi các cây trồng có giá trị cao. Người nông dân cũng hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Việc xây dựng được các mô hình cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành trồng trọt nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa kém hiệu quả vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đó là:

Do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đầu vụ Hè Thu nắng nóng, hạn hán thường xuyên xảy ra, cuối vụ mưa lũ, khó khăn trong công tác làm đất và gieo trồng các loại cây chuyển đổi; phần lớn công trình thủy lợi được thiết kế, xây dựng phục vụ trồng lúa, chưa đáp ứng được nhu cầu của cây trồng chuyển đổi.

Các địa phương đều chưa hoàn thiện việc quy hoạch vùng, diện tích, cũng như xác định đối tượng cần chuyển đổi, khoa học-kỹ thuật, tổ chức sản xuất,..., mà thực hiện theo kiểu “thiếu nước đến đâu chuyển đổi đến đó”. Diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi và khó khăn trong quản lý sản xuất. Bên cạnh đó, một số cây trồng trong vùng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém hoặc thiếu liên kết với doanh nghiệp nên không bảo đảm thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định, sản xuất chưa chủ động trong khi giá cả các vật tư tăng cao nên người sản xuất chưa yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư thâm canh các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, tiềm năng lợi thế về nguồn nhân lực, các điều kiện tự nhiên; đồng thời tập trung hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết sản xuất là hướng đi đúng và hết sức cần thiết, theo hướng tập trung, trọng điểm. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông và các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

 

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi rất sôi nổi với 25 câu hỏi và được các chuyên gia giải đáp về các vấn đề liên quan chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh nghiệm về kiến thức gieo trồng, chăm sóc, sâu bệnh hại, thu hoạch, một số loại cây trồng phù hợp, cơ chế chính sách hỗ trợ..., những băn khoăn về lợi ích, hiệu quả kinh tế, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, chiều ngày 28/7 các đại biểu đã được tham quan và trao đổi kinh nghiệm sản xuất mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi./.

Kim Vân

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi