Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện. Diễn đàn thu hút sự tham gia của trên 250 đại biểu đến từ 08 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích trên 1,8 triệu hécta đất lúa, chiếm gần 50% tổng diện tích đất lúa cả nước, sản lượng hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa là một trong những lợi thế chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh mặt hàng thủy sản và trái cây. Tuy nhiên, những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây nên hạn hán, xâm nhập mặn vào đất lúa. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn ngày càng trở nên phức tạp hơn, xâm nhập mặn có xu hướng đến sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng so với trước đây và có thể kéo dài hơn. Hiện, mức độ xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã vào sâu hàng chục km với độ mặn từ 1 - 3‰, có nơi lên đến 5 - 6‰ và dự báo sẽ còn tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến lúa Đông Xuân cuối vụ và đặc biệt là lúa Hè Thu vụ tới.

Tỉnh Sóc Trăng có 147.681 ha đất trồng lúa, với cơ cấu sản xuất 2-3 vụ/năm theo từng vùng sinh thái, nên diện tích gieo trồng lúa hàng năm bình quân của tỉnh tương đương 355.000 ha, trong đó diện tích canh tác lúa 3 vụ chiếm khoảng 17,5%, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 2,25 triệu tấn. Với vị trí địa lý nằm cuối nguồn sông Mê Kông, tiếp giáp biển Đông, Sóc Trăng là địa phương chịu tác động rất mạnh của tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa.

Ông Võ Quốc Trung - Điều phối dự án VnSAT, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ gây hậu quả xấu đến sản xuất và đời sống của người dân. Tính riêng vụ Đông Xuân 2015-2016 tại Sóc Trăng, đã có hơn 19.430 ha bị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn, với hơn 12.620 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó mức độ thiệt hại lên đến trên 70% là 6.737 ha. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trong đó có những giải pháp kỹ thuật chủ yếu bao gồm: rà soát lại quy hoạch vùng trồng lúa và xác định cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng; xây dựng lịch thời vụ gieo trồng hàng năm để vụ Hè Thu không bị khô hạn đầu vụ và vụ Đông Xuân không bị ảnh hưởng mặn cuối vụ; khảo nghiệm các giống lúa chịu hạn, mặn để khuyến cáo đến người sản xuất; tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “SRI”, “VietGAP”,…) và xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình cánh đồng mẫu, mô hình cánh đồng lớn...

Vụ Đông Xuân 2018-2019, dự án VnSAT Sóc Trăng thực hiện mô hình cánh đồng sản xuất lúa bền vững ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm và cấy bằng máy tại HTX Dịch vụ Nông sản Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú với quy mô thực hiện trên 50 ha, có 45 hộ tham gia. Ông Nguyễn Xuân Quế - Giám đốc HTX cho biết: Mô hình đã giảm lượng giống sử dụng còn 50-60 kg/ha, lượng phân bón đạm đã giảm từ 15-20% (biến động ở mức 95-105 kg N/ha/vụ), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 2-3 lần/vụ, chủ yếu là nhóm thuốc trừ sâu, rầy hại lúa. Toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch từ mô hình được Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương và Doanh nghiệp tư nhân Thảo Nguyên bao tiêu với giá cao hơn 900 đồng/kg so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường.

Sau khi tham quan mô hình, các đại biểu đánh giá mô hình ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm và cấy bằng máy trong canh tác lúa đã giúp giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc; lúa không bị đổ ngã, áp lực sâu rầy và bệnh đạo ôn giảm nhiều; năng suất lúa tăng 10-12% và chất lượng nâng cao nên giá bán cao hơn.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm và cấy bằng máy

Tuy vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. “Năm 2019, tình hình xâm nhập mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, có nồng độ mặn rất khác nhau tùy theo vị trí, nếu không chỉ đạo sản xuất uyển chuyển, linh hoạt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long” TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ quản lý nông nghiệp trong Ban cố vấn, Ban chủ tọa đã giải đáp trên 20 câu hỏi trực tiếp của nông dân liên quan đến chủ đề diễn đàn. Trong đó trọng tâm là việc chọn giống lúa, xác định cơ cấu mùa vụ phù hợp để né tránh hạn, mặn. Đặc biệt là biện pháp canh tác sản xuất lúa thích ứng với vùng đất nhiễm mặn, kỹ thuật bón phân hợp lý…

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đa số các giống cải tiến ngắn ngày OM6976, OM5451, OM9921, OM5621, OM6677, ST5... chỉ chịu được mặn ở mức độ trung bình – khá (từ 2-3‰); khi độ mặn từ 4‰ trở nên năng suất giảm, không đạt hiệu quả kinh tế. Các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn (khoảng 4‰) là Một bụi đỏ, OM2517, OM9577, OM5464... nhưng không vượt được ngưỡng trên 5‰. Việc sử dụng giống cho vùng xâm nhập mặn hiện nay nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn ở mức khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trỗ bông. Tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ cho lựa cơ cấu giống cho địa phương mình.

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với vùng đất nhiễm mặn như chuẩn bị đồng ruộng và làm đất tốt, xử lý rơm rạ sau thu hoạch để tránh ngộ độc phèn, áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, biện pháp 1 phải 5 giảm hay kỹ thuật gieo mạ khay, cấy máy, quản lý cây trồng tổng hợp, kỹ thuật bón phân theo tiểu vùng, áp dụng phân bón mới, sử dụng phân hữu cơ...

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Khang - Trưởng bộ môn Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo nông dân khi tưới nước ruộng cho lúa trong điều kiện hạn mặn xâm nhập cần lưu ý: Tranh thủ tưới nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trổ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn nhiều lần; Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn đối với lúa đẻ nhánh; dưới 1 phần nghìn đối với các giai đoạn lúa làm đòng và trổ); Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ với lượng nước phun 800-1.000 lít/ha.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Để ứng phó với xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết một số giải pháp được thống nhất tại diễn đàn như sau:

- Giải pháp về canh tác lúa:

+ Khuyến cáo ứng dụng giống lúa có tính chống chịu mặn cao, thời gian sinh trưởng phù hợp, chất lượng năng suất đáp ứng các mục tiêu theo từng vùng cụ thể.

+ Bố trí thời vụ sản xuất lúa thích hợp để né tránh thời gian hạn mặn xảy ra, thời điểm gieo sạ khuyến cáo cho từng vùng theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt, song nhìn chung theo hướng gieo sạ sớm hơn ở vụ Đông Xuân để hạn chế tác động hạn mặn cuối vụ và thời vụ lúa Hè Thu sẽ muộn lại để nằm vào thời gian có mưa, hạn chế tác hại của hạn mặn đầu vụ.

+ Sản xuất lúa theo hướng giảm chi phí sản xuất, trước hết giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và áp dụng các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh phù hợp.

+ Tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ để tạo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, nền tảng là hình thành và phát triển các HTX kiểu mới trong sản xuất lúa.

- Giải pháp về thủy lợi:

+ Tăng cường cơ sở hạ tầng thủy lợi để chủ động tưới tiêu, đặc biệt chủ động trong ngăn chặn mặn xâm nhập như: cống ngăn mặn, công trình tích trữ nước, công trình điều tiết nước...

+ Tăng cường tích trữ nguồn nước trong các sông, hồ, ao và kênh rạch nội đồng, đặc biệt chú trọng tích trữ nước cuối vụ.

- Giải pháp về thủy nông: Bố trí công thức luân canh cây trồng, chuyển đổi cây trồng, chuyên đổi đất lúa để né tránh tình trạng hạn mặn theo hướng chủ động thích ứng như: sử dụng vùng hạn mặn cho nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch mùa vụ theo hướng thích nghi với tình trạng hạn mặn trong phạm vi cho phép.

Bên cạnh những giải pháp trên, các địa phương cần chủ động, sẵn sàng phương án xử lý khi xảy ra hạn mặn khắc nghiệt gây thiệt hại cho sản xuất lúa. Đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục tư vấn, giải đáp cho người sản xuất những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thích ứng với hạn mặn. Các viện nghiên cứu, đặc biệt là Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp, hiệu quả giảm tác hại của hạn mặn./.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn đến sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với ngành nông nghiệp các địa phương đã có nhiều hoạt động như triển khai hội nghị sản xuất của vùng, thành lập đoàn khảo sát đánh giá, tổ chức hội thảo,... Công tác khuyến nông cũng đã ban hành tờ rơi Hướng dẫn kỹ thuật trong điều kiện hạn mặn, phối hợp tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng... Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức diễn đàn KN@NN với chủ đề “Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn”, TS Trần Văn Khởi nói 

Xem video về Diễn đàn tại đây

Đỗ Tuấn - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia