Toàn cảnh Diễn đàn

 

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và gia tăng xuất khẩu, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tại các tỉnh phía Bắc do có khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự phân hóa của độ cao địa hình tạo nên những tiểu vùng sinh thái đa dạng, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và một số cây ăn quả ôn đới. Đến nay, nhiều địa phương đã xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2021, diện tích cây ăn quả của cả nước khoảng 1,17 triệu héc-ta, riêng các tỉnh phía Bắc có 445 nghìn héc-ta. Trung du miền núi phía Bắc là vùng cây ăn quả chủ lực tại miền Bắc với diện tích khoảng 266,7 nghìn héc-ta, chiếm 60% diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc. Đây cũng là vùng cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau vùng ĐBSCL. Hiện nay, ở khu vực này đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn, có liên kết chuỗi, đạt chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang,...

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, chất lượng

 

Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. Với mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, sẽ hình thành và phát triển 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Hoà Bình và Sơn La) và 60.200 ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Từ đó sẽ phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thu hút doanh nghiệp đầu tư; giảm rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm; tăng cường giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Quản trị vùng nguyên liệu tốt sẽ giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch,... Phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp còn giúp cho Nhà nước dễ dàng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch và quản lý sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, qua đó giúp nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành phát triển bền vững.

Theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tính đến tháng 5/2022, vùng miền núi phía Bắc có 5.022 HTX nông nghiệp chiếm 26,9% tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước. Mặc dù là vùng còn rất khó khăn nhưng số HTX nông nghiệp bình quân/tỉnh của vùng MNPB đã đạt 352 HTXNN/tỉnh, cao thứ 2 trong các vùng kinh tế cả nước. Trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, Đề án thí điểm đặt mục tiêu xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm cây ăn quả quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến tại khu vực MNPB nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ.

Các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng nhãn chín muộn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn Chiềng Mung

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó TGĐ Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao cho biết, Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La được khởi công vào tháng 9/2020 với diện tích gần 9 ha tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, là trung tâm chế biến rau, quả khép kín từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Khi dự án đi vào hoạt động đồng bộ, mỗi năm nhu cầu nguyên liệu cho chế biến của Trung tâm khoảng 85.000 tấn dứa, 140.000 tấn chanh leo, 25.000 tấn xoài, 15.000 tấn ngô ngọt, 11.000 tấn đậu tương rau và 6.000 tấn rau chân vịt; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.

Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy chế biến, Doveco Sơn La đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình với 5 loại cây trồng với diện tích dứa đã đạt 350 ha, chanh leo 270 ha, ngô ngọt và đậu tương rau, trung bình 500 ha/vụ.

Thực tiễn cho thấy, để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả theo hướng bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa tập trung; lưu thông hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do phát triển giao thông chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất. Năng lực sơ chế, chế biến rau quả của vùng còn thiếu; nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định và mang tính đặc thù theo mùa vụ nên các nhà máy chế biến chỉ hoạt động đạt khoảng 30-50% công suất thiết kế. Việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm đã được quan tâm song vẫn còn ở mức hạn chế. Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, thu mua xuất khẩu; chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian, giá thành còn cao, làm giảm sức cạnh tranh...

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả; chính sách hỗ trợ trong phát triển vùng nguyên liệu; các giải pháp về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và rải vụ thu hoạch cây ăn quả; thu hoạch, bảo quản, sơ chế và thu mua sản phẩm; vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; vấn đề mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng nhận định, việc phát triển cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước. Diễn đàn đã giúp cho người sản xuất và nông dân hiểu rõ hơn về các yếu tố kỹ thuật cần tác động trong quá trình sản xuất; các biện pháp tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; các chính sách của nhà nước và địa phương để phát triển sản xuất.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, ngày 02/8, các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng nhãn chín muộn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn Chiềng Mung tại tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn; mô hình trồng nho đen không hạt của Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh tại xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La./.

Đại biểu thăm mô hình trồng nho đen không hạt của Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh

 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia