Theo báo cáo, năm 2015, hạn hán xảy ra ở cả vụ đông xuân và hè thu, toàn khu vực có 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất, 36.000 ha cây trồng bị hạn hán; năm 2016, vụ đông xuân có gần 23.000 ha, hè thu có khoảng 17.500 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước.

Với mục tiêu đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp khắc phục hạn hán bằng phương pháp tưới tiết kiệm trên địa bàn các tỉnh miền Trung; phân tích ưu nhược điểm, điều kiện áp dụng thiết bị tưới tiết kiệm nước; ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Tưới nước tiết kiệm cho cây trồng các tỉnh miền Trung” tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của trên 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo của các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng 160 nông dân của 7 tỉnh: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình; các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp; các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, thiếu nước gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Nếu như không có những giải pháp kịp thời, sản lượng cũng như thu nhập của bà con nông dân sẽ bị giảm sút. Diễn đàn này là cơ hội để các nhà khoa học, người nông dân cùng nhau trao đổi những kiến thức, kỹ năng, hiểu biết về công nghệ tưới tiết kiệm cso thể áp dụng vào sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo xu thế hiện đại, đẩy mạnh các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chè, rau quả….

TS. Trần Văn Khởi - Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn

Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề đã được thảo luận xoay quanh việc sử dụng nước tiết kiệm trong canh tác nông nghiệp, hạ tầng thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm… Ban cố vấn đã trả lời trên 30 câu hỏi của các nông dân, chủ trang trại về một số mô hình tưới tiết kiệm tại địa phương, kỹ thuật lắp đặt máy móc, công nghệ tưới tiết kiệm, kinh phí lắp đặt, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương để đầu tư thực hiện mô hình tưới tiết kiệm, cơ cấu cây trồng phù hợp, chế độ canh tác tiết kiệm nước…

Cũng trong Diễn đàn, nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm đã được giới thiệu, chia sẻ để bà con nông dân tham khảo, học tập. Điển hình là mô hình của ông Lưu Đức Ngọc - chủ trang trại Thương Ngọc (thị trấn nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ông Ngọc là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tưới tưới nhỏ giọt cho cây tiêu. 

Năm 2014, ông Ngọc đã đầu tư 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho hơn 2.000 gốc tiêu trên diện tích khoảng 2 ha. Theo ông Ngọc đánh giá, tuy chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới nhỏ giọt tương đối lớn, nhưng với thời gian khấu hao trung bình của hệ thống cấp nước là 10 - 15 năm, ống mềm, đầu tưới nhỏ giọt từ 4 - 6 năm, thì khấu hao hàng năm không lớn (khoảng 15 - 17 triệu đồng/năm). Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước tưới, 40% lượng phân hóa học NPK, giảm 80 - 90% công tưới nước và bón phân, trong khi năng suất hồ tiêu tăng hơn 40% so với tưới tràn.

Đại biểu thăm mô hình trồng tiêu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm của ông Lưu Đức Ngọc

Sau khi mô hình tưới nước nhỏ giọt của ông Ngọc mang lại thành công, nhiều hộ dân đã tìm hiểu, học tập và làm theo. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có khoảng 50 hộ dân lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu, cây ăn quả. Điển hình như ông Nguyễn Văn Diệm ở tiểu khu Hữu Nghị áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hơn 4 ha hồ tiêu từ 2 năm nay, trong đó có hơn 2 ha đã cho thu hoạch và 2 ha đang bước vào thời kỳ thu hoạch; anh Nguyễn Chính ở tiểu khu Hữu Nghị áp dụng lắp đặt cho toàn bộ 4 ha hồ tiêu; chị Nguyễn Thị Hoài ở tiểu khu Quyết Tiến lắp đặt tưới cho hơn 1.200 gốc hồ tiêu...

Theo đánh giá, dù công nghệ tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp tưới truyền thống nhưng việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của người dân cũng mới chỉ dừng lại ở một số đối tượng cây trồng cụ thể như cây hồ tiêu, cây ăn quả, cây rau màu..., và cũng chỉ dừng lại ở những mô hình sản xuất quy mô lớn.

Tại diễn đàn, nhiều nông dân cùng đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy và tạo động lực cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Trình diễn hệ thống tưới tiết kiệm tại diễn đàn

Đỗ Tuấn - Ánh Nguyệt