Diễn đàn thu hút gần 250 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Tuyên Quang; Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang và Tuyên Quang; đại diện hợp tác xã và bà con nông dân vùng trồng bưởi của các địa phương. Nhiều phóng viên của các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin về Diễn đàn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình thâm canh  bưởi Diễn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Việt Nam là một trong những nước trồng bưởi lớn trên thế giới và tiềm năng của loài cây trồng này là rất lớn. Nhu cầu trong và ngoài nước về bưởi tươi tăng cao trong những năm gần đây do những đặc tính và công dụng tốt của bưởi đối với sức khỏe con người (giảm cholesterol, tăng vitamin C, chống xơ vữa thành mạch máu...).

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu bưởi tăng mạnh, đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Thị trường xuất khẩu bưởi lớn của Việt Nam là ASEAN (8,2 triệu USD, chiếm 75,6%), tiếp theo là Canada (1,1 triệu USD, chiếm 9,7%) và EU (0,8 triệu USD, chiếm 7,3%)… Trong đó, sản phẩm bưởi da xanh Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng.

Với hiệu quả kinh tế do cây bưởi đem lại nên đây được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế nông hộ tại Việt Nam. Hiện cây bưởi phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm quả… Tuy nhiên bà con nông dân trồng bưởi còn chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, giá thành sản xuất bưởi khá cao, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cho chế biến quy mô nông nghiệp; chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng còn rất hạn chế; áp lực thị trường khi vào mùa thu hoạch lớn…

Tại Diễn đàn, Ban Chủ tọa, Ban cố vấn đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu và bà con nông dân liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi; đồng thời các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây bưởi. Theo đó, về sản xuất, các tỉnh cần rà soát, xác định quy mô và vùng sản xuất bưởi tập trung, gắn với quy hoạch thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác; Tổ chức lại sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm cả khi xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; Tổ chức thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung (từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu); Xây dựng kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bưởi xuất khẩu (cấp mã số vùng trồng; cơ sở xử lý bưởi xuất đi EU), Trung Quốc (mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói,... để xuất khi bưởi được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc); Đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch với cơ cấu chín sớm 30 - 40%, chính vụ và muộn 60 - 70%; tập trung nhóm bưởi ngọt.

Về Phát triển thị trường, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước, đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền khi vào mùa thu hoạch rộ... Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố, giữ vững và phát triển các thị trường đã có sẵn, tăng trưởng tốt và còn nhiều dư địa như ASEAN, EU (Đức, Hà Lan, Ba Lan,...), Canada, Nga, Hàn Quốc, Trung Đông,... Tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA ưu đãi thuế đối với hầu hết các dòng hàng rau quả từ Việt Nam để đẩy mạnh tiêu thụ bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi vào thị trường EU. Với các thị trường chưa cấp phép nhập khẩu bưởi tươi và các thị trường có khoảng cách địa lý xa, định hướng xuất khẩu bưởi đông lạnh, nước ép và các sản phẩm chế biến từ bưởi. Thúc đẩy quá trình đàm phán để mở cửa thị trường cho bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác. Tìm hiểu thị hiếu, quy định của thị trường để định hướng sản phẩm xuất khẩu. Nghiên cứu và dự báo thị trường để định hướng, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp chế biến.

Xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với quả bưởi đặc sản cũng là một giải pháp được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn nhằm gia tăng giá trị quả bưởi trên thị trường trong nước và quốc tế.

Một số hình ảnh về Diễn đàn:

Diễn đàn góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi

 

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh  bưởi Diễn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phúc Ninh

 

Tại mô hình, các đại biểu đã được chủ hình chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc cây bưởi

 

Quả bưởi Việt Nam ngày càng được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng

 

Ban cố vấn giải đáp câu hỏi của nông dân về bệnh trên cây bưởi

 

Đại biểu tham quan các sản phẩm cây có múi trưng bày bên lề Diễn đàn

 

Chủ đề Diễn đàn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người trồng bưởi

 

Video "Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi" phát tại Diễn đàn

 

Thanh Thủy - Thu Hồng