Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Tham gia Diễn đàn có gần 300 đại biểu, với 200 nông ngư dân đến từ 8 tỉnh duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận). Đây là Diễn đàn thứ 2 trong năm về chủ đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hoá đội tàu cá khai thác xa bờ. Cũng chủ đề này, ngày 26/6/2015 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực phía Nam” thu hút 300 đại biểu đến từ 8 tỉnh ven biển phía Nam (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang).

Toàn cảnh Diễn đàn

Khai thác hải sản xa bờ ở Việt Nam hiện nay ngoài tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu nhân khẩu ăn theo các dịch vụ đi kèm khác, là nghề mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho ngư dân các tỉnh ven biển còn gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, khi những tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp thì việc tổ chức sản xuất khai thác thuỷ hải sản trên biển, hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chú trọng. Tuy nhiên việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác hải sản xa bờ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, hầm bảo quản sản phẩm chưa đúng yêu cầu làm giảm đáng kể chất lượng hải sản.

Theo báo cáo của Vụ Khai thác - Tổng Cục Thuỷ sản, công tác bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản ở mức cao (từ 20 – 30%). Trước thực trạng đó, ngày 23 tháng 9 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Đến ngày 14/11/2013 Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp để thay thế hai Quyết định nói trên. Mới đây, ngày 07/7/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó, có chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn về thời hạn vay và lãi suất, hỗ trợ ngư dân nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Để giúp bà con ngư dân nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong hoạt động khai thác xa bờ, Ban tổ chức Diễn đàn đã mời các cơ quan, đơn vị liên quan viết 16 báo cáo, lựa chọn 9 văn bản chính sách liên quan đến phát triển thuỷ sản đóng trong quyển kỷ yếu Diễn đàn. Trong khuôn khổ Diễn đàn các báo cáo tham luận đã đánh giá thực trạng nghề khai thác thuỷ sản tại các tỉnh duyên hải miền Trung; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới trong khai thác, quản sản phẩm trên tàu; chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất; phương pháp tiếp cận thông tin dự báo ngư trường; đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý hoạt động khai thác, liên kết sản xuất, cũng như tư vấn hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi khai thác xa bờ. Trong phần trao đổi thảo luận các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trả lời đầy đủ, chi tiết những vấn đề đại biểu và ngư dân quan tâm với trên 40 câu hỏi về chính sách hỗ trợ hiện đại hóa tàu cá, ứng dụng các thiết bị điện tử hàng hải trên đội tàu khai thác hải sản xa bờ; quả kinh tế cao.

Các đại biểu tham quan triển lãm các thiết bị phục vụ đánh bắt xa bờ

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp:

- Đối với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương: Cần nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của ngư dân trong việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, trình tỉnh bổ sung chính sách để ngư dân được vay vốn thực hiện việc hiện đại hóa đội tàu, tổ hợp tác tăng cường khối đoàn kết, hỗ trợ ngư dân đi biển. Hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 20-30% hiện nay xuống theo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

- Các Viện, trường nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao công nghệ, thiết bị khai thác cải tiến; Hướng dẫn ngư dân sử dụng Rada, các thiết bị hàng hải khác nhằm giảm giá thành, giảm nhân lực.

  - Tuyên truyền không sử dụng các chất hủy diệt để đánh bắt cá, tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo ngư dân .

- Hệ thống khuyến nông: tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình khai thác thuỷ sản xa bờ hiệu quả. Lựa chọn thời điểm phù hợp tổ chức đoàn thăm quan giữa các tổ, đội, ngư dân chủ chốt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khai thác hải sản xa bờ.

- Doanh nghiệp: tổ chức liên kết sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm sau khai thác. Ngân hàng tư vấn ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách nhằm cải hoán, hiện đại hoá tàu khai thác thuỷ sản xa bờ.

 Sau Diễn đàn này các tỉnh tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo và tư vấn cho ngư dân xây dựng và phát triển đội tàu đánh bắt hải sản, nâng cao khả năng đánh bắt xa bờ; nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch; hình thành được các tổ đội liên kết trên biển./.

Bích Dương - Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia