Tham dự lớp tập huấn có ThS. Hoàng Văn Hồng – Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Chủ nhiệm Dự án), ông Phan Phi Hùng – Trưởng trạm Khuyến Nông huyện Thoại Sơn, cùng hơn 60 nông dân và khuyến nông viên của các xã, thị trấn về tham dự.

Tại buổi tập huấn, ThS. Hoàng Văn Hồng – Giảng viên đã cung cấp những kiến thức cơ bản cho học viên về áp dụng 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Theo ThS. Hoàng Văn Hồng 5 nguyên tắc chính trong áp dụng SRI trong sản xuất lúa đó là: (1) Mạ khỏe (chỉ có từ 2 – 2,5 lá đối với đất thường, 4 lá đối với đất phèn mặn); (2) Cấy thưa (mỗi khóm chỉ cấy 1 cây mạ); (3) Phòng trừ cỏ dại kịp thời: ít nhất là 3 lần vào các ngày 10 – 12, 25 – 27, 40 – 42, đồng thời không dùng thuốc trừ cỏ; (4) Quản lý nước: Không giữ nước ngập mặt ruộng thường xuyên, từ khi cấy đến hết giai đoạn làm đòng, nhưng phải duy trì đủ ẩm cho đất; (5) Bổ sung chất hữu cơ: tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh giảm phân hóa học.

Song song với công tác tập huấn, Chủ nhiệm Dự án và Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn đã tổ chức một buổi hội thảo, tham quan thực tế kết quả thực hiện mô hình trong vụ thu đông năm 2014, với qui mô diện tích 60 ha, 90 hộ tham gia trên địa bàn ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.

Tham gia mô hình này, nông dân được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 100% về giống OM6976 với định mức 100kg/ha và 30%  vật tư, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật SRI.

Qua tham quan mô hình cho thấy, việc áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI giảm đáng kể lượng giống khi gieo sạ, cây to khỏe khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít đỗ ngã, tỷ lệ hạt chắc trên bông và số chồi hữu hiệu cao hơn so với trồng lúa theo phương pháp thông thường. Đồng thời, giảm 40% về giống, giảm 10% phân đạm và quan trọng là giảm 50% về lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như số lần phun thuốc.

Việc sản xuất lúa theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và ứng dụng kỹ thuật trồng lúa theo SRI ở Việt Nam nhằm tập trung hướng dẫn nông dân nắm chắc những nguyên tắc cơ bản trong sản xuất lúa, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, khuyến khích cộng đồng sáng tạo, phát triển các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng bền vững trong điều kiện canh tác cụ thể của địa phương nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng một nền nông nghiệp xanh thân thiện môi trường.

Hệ thống canh tác lúa cải tiến (System Rice IntensiFication - SRI) đã được chương trình IPM Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân các tỉnh phía Bắc ứng dụng từ năm 2003. Qua ứng dụng SRI của một số tỉnh cho thấy: ở những diện tích áp dụng SRI lượng lúa giống giảm 70 – 90%, phân đạm giảm 20 – 25% , năng suất bình quân tăng 9 – 15%. Các loại dịch hại như bệnh đốm vằn, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ … giảm đáng kể, đồng thời gia tăng khả năng chống chịu của cây lúa. Hiệu quả kinh tế tăng trung bình 2 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất/kg lúa giảm 342 – 520 đồng, tiết kiệm 30% chi phí về thủy lợi so với canh tác truyền thống. Ngoài ra còn làm tăng khả năng ứng phó biến đổi khí hậu như: lúa ít đổ ngã trong điều kiện mưa bảo, việc không giữ nước ngập mặt ruộng thường xuyên sẽ hạn chế khí nhà kính phát thải vào khí quyển.

 

 Thúy Lành

Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang