Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” cho một số tỉnh phía Nam. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình canh tác có hiệu quả cao hơn cho người dân trong vùng có nhu cầu chuyển đổi từ đất trồng trọt có hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao thu nhập. Tại tỉnh Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thực hiện “Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa” với quy mô 20 ha, tại các xã Bình Thạnh, An Điền và An Nhơn huyện Thạnh Phú.

Địa điểm triển khai mô hình là những địa phương nằm trong vùng đất chuyển đổi, có diện tích canh tác lúa lớn và có điều kiện môi trường sinh thái phù hợp với nuôi tôm càng xanh. Trên cơ sở danh sách các hộ dân đã đăng ký, cán bộ kỹ thuật mô hình đã cùng với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát điều kiện sản xuất cụ thể của từng hộ. Kết quả đã chọn được 25 hộ dân thực hiện mô hình, cụ thể: xã Bình Thạnh có 6 hộ với diện tích 3 ha, An Điền có 13 hộ với 12 ha và An Nhơn đã chọn được 6 hộ với 5 ha.

Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống tôm càng xanh toàn đực và lúa giống; 30% thức ăn, vôi, chế phẩm sinh học, phân bón sử dụng. Cụ thể với diện tích 1 ha, người dân được hỗ trợ tổng cộng: 25.590.000 đồng, bao gồm: 16.500.000 đồng tiền giống và 9.090.000 đồng tiền thức ăn cho tôm và các vật tư khác. Đồng thời, các hộ tham gia được cán bộ kỹ thuật có năng lực và nhiều kinh nghiệm của Trung tâm Khuyến nông chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực - lúa, thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất và có hướng chỉ đạo kỹ thuật trong chăm sóc - phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi trồng để mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 25 hộ dân tham gia mô hình. Nội dung tập huấn bao gồm: đặc điểm cơ bản của tôm càng xanh và tôm càng xanh toàn đực; giống lúa thực hiện mô hình; lợi thế của việc nuôi theo hình thức xen canh tôm càng xanh - lúa; kỹ thuật chuẩn bị ao, ruộng; kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và kỹ thuật trồng lúa (bao gồm các khâu: thả giống, quản lý, thu hoạch và ghi chép)… Qua buổi tập huấn, bước đầu được nông dân tham gia mô hình tiếp nhận các nội dung, các kiến thức canh tác mới được áp dụng trên nền tảng kinh nghiệm sản xuất truyền thống.

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre triển khai mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa với kỳ vọng đây sẽ là những điểm trình diễn để nhân rộng ra toàn tỉnh với quy trình kỹ thuật sản xuất lúa – tôm ổn định giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa, nhằm giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa – gạo sạch Thạnh Phú“ vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa các thực phẩm sạch với quy trình sản xuất thân thiện môi trường phục vụ người tiêu dùng trong nước, cải thiện dần tình trạng thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng như hiện nay.

Võ Minh Thảo - Huỳnh Thị Hồng

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre