Mô hình được thực hiện từ tháng 5-10/2014, với quy mô 60ha/76 hộ tham gia, được triển khai tại Tổ hợp tác DVNN An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành. Nông dân tham gia sử dụng giống lúa chất lượng cao OM 5451 cấp xác nhận, được hỗ trợ 100% chi phí giống và 30% chi phí vật tư nông nghiệp, với tổng giá trị đầu tư 4.158.500 đồng/ha. Ngoài ra, đầu vụ, các hộ còn được cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Châu Thành tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng, quản lý nước “ngập khô xen kẻ”, quản lý các đối tượng dịch hại chủ yếu trên ruộng lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đồng thời nông dân được hướng dẫn và thực hành sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa.

Để nhân rộng mô hình, dự án đã tổ chức tập huấn nhân rộng cho 60 hộ nông dân chưa tham gia mô hình và tổ chức một cuộc hội nghị thăm quan cho 100 nông dân ở các xã lân cận đến thăm quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Qua 5 tháng thực hiện mô hình, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản ứng dụng vào sản xuất lúa giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Sạ thưa, tiết kiệm nước theo nhu cầu của cây lúa, không đốt rơm rạ hạn chế phát khí thải bằng cách sử dụng nấm Trichoderma phân hủy hoặc sử dụng để phát triển nghề nấm rơm được nông dân áp dụng và phát triển trong thới gian tới. Ngoài ra, nông dân còn biết phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, phun thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng và thực hành ghi chép Sổ tay tình hình sản xuất lúa giúp nông dân hạch toán đúng hiệu quả sản xuất.

Qua kết quả cho thấy mô hình đạt hiệu quả, năng suất trong mô hình đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn 300kg/ha so với sản xuất theo tập quán nông dân (trước dây nông dân sử dụng giống IR50404). Nhờ áp dụng biện pháp “3 giảm 3 tăng” đã giúp người dân tiết kiệm khoảng 100kg/ha lượng giống gieo sạ, đặc biệt là giảm được lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nên giá thành sản xuất thấp hơn ngoài mô hình khoảng 703 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 15,9 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất theo tập quán cũ khoảng 6,6 triệu đồng/ha, đây là lợi nhuận không nhỏ cho nông dân nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, ngoài ra mô hình còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả cả 3 mặt về: kinh tế, khoa học và môi trường. Về kinh tế, giảm đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước, chi phí sản xuất với giá thành thấp mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về khoa học, không những làm thay đổi về nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân, mà còn giúp cho cán bộ kỹ thuật tiếp cận những kiến thức, qui trình canh tác mới trong thâm canh sản xuất lúa. Về môi trường, góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch và tạo ra sản phẩm an toàn.

 Lê Thị Kim Thúy

Trung tâm KNKN Đồng Tháp