Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ khuyến nông 7 tỉnh miền núi phía Bắc và các đơn vị tham gia dự án; đông đảo bà con nông dân trong Tp. Cẩm phả và T.p Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và PTNT, bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Đức - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Để ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép con giống gia cầm từ các tỉnh biên giới, đồng thời phát triển chăn nuôi tạo công ăn việc làm, tạo con giống tại chỗ và tăng hiệu quả cho người chăn nuôi trong nước nói chung, người chăn nuôi 7 tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”. Dự án được triển khai trong 3 năm (từ năm 2014 - 2016), tại 7 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Trong quá trình triển khai, Chủ nhiệm dự án và các đơn vị triển khai dự án luôn chú trọng đến khâu chọn điểm, chọn hộ. Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế và nhu cầu nguyện vọng của bà con nông dân địa phương thuộc các huyện, thị của các tỉnh triển khai dự án, Trung tâm khuyến nông các tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát điều kiện thực tế của các xã, phường và lựa chọn điểm, cụ thể là xã có truyền thống chăn nuôi tại địa phương, trong quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm và đang tiến hành xây dựng nông thôn mới. Với các tiêu chí xây dựng mô hình trình diễn: địa phương có nhu cầu phát triển chăn nuôi gia cầm tại chỗ, nhưng chưa có cơ sở cung cấp giống gia cầm tại tại chỗ. Các hộ chăn nuôi đã có kinh nghiệm về chăn nuôi gia cầm nông hộ… Đặc biệt, các giống gia cầm bố mẹ đều được mua tại hai Trung tâm  nghiên cứu giống hàng đầu của cả nước, gà LV tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, vịt SM, vịt PT và vịt biển tại Trung tâm nghiên cứu vịt Đại xuyên.

Các đại biểu thăm mô hình nuôi vịt biển tại phường Mông Dương, T.p Cẩm Phả

Báo cáo tại Hội thảo nêu rõ, năm 2014 - 2015, dự án xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc đã hỗ trợ 4.000 gà giống bố mẹ và 6.000 vịt giống bố mẹ cho 5 tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên và Quảng Ninh. Quy mô và địa bàn triển khai đạt 100% so với mục tiêu đề ra. Mô hình triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân về sản xuất giống gia cầm tại chỗ, góp phần thay đổi tập quán và nhận thức của người dân về chăn nuôi gia cầm, góp phần ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm qua biên giới. Đàn gà bố mẹ phát triển tốt, tỷ lệ đẻ đạt  62,4 đến 65,00%, tỷ lệ phôi đạt cao từ 95,00 - 96,65%. Năng suất trứng/mái/ năm từ 163 - 181 quả. Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp 80 - 81%. Đàn vịt tỷ lệ nuôi sống đến khi vào đẻ đạt từ 90,5 - 95,00%. Năng suất trứng/ mái/ năm  180 - 230 quả, tỷ lệ phôi từ 88,34 - 96%, tỷ lệ  nở/ tổng trứng đạt 75 - 82,56%. Các hộ ấp nở đã nắm vững được quy trình ấp nở, vận hành tốt máy ấp và đã ấp nở được gia cầm tại chỗ góp phần cung cấp con giống cho người chăn nuôi tại địa phương.

Dự án đã đào tạo, huấn luyện kỹ thuật cho trên 300 người cả trong và ngoài mô hình. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng, in ấn 1.000 tờ gấp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm sinh sản, đã viết 8 bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong năm 2015, dự án tiếp tục triển khai trên 7 tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Giang và Lai Châu với tổng số gia cầm chuyển giao vào mô hình là 14.000 con (trong đó có 8.000 con vịt và 6.000 con gà). Hiện, đàn gia cầm của mô hình phát triển tốt, bắt đầu vào giai đoạn đẻ trứng.

Tại Hội thảo, các ý kiến của đại diện tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, và Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tỉnh Hà Giang đều tập trung trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi; mô hình phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của bà con nông dân địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn; giúp bà con nông dân nhận thức được việc mua con giống được sản xuất tại chỗ sẽ đảm bảo chất lượng, lớn nhanh và ít mắc các loại dịch bệnh hơn là giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Hộ chăn nuôi nắm rõ kỹ thuật ủ phân, thu gom rác thải, tạo môi trường sạch.  trình độ nhận thức để tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và điều kiện về đất đai để làm chuồng trại, bãi chăn thả theo yêu cầu của dự án, từ đó sức khoẻ của người dân được đảm bảo. Đối với các hộ ấp nở, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, tỷ lệ nở tăng và hạn chế được dịch bệnh của vịt 01 ngày tuổi. Các đơn vị đều mong muốn tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình của dự án trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Chủ nhiệm Dự án cho biết, mô hình triển khai đáp ứng được nhu cầu của người dân về sản xuất giống gia cầm tại chỗ đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn giống, có nguồn gốc, góp phần giảm tỉ lệ gia cầm nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Các hộ tham gia mô hình cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bước đầu đưa an toàn sinh học vào chăn nuôi, hình thành các nhóm hộ chăn nuôi. Nhìn chung, đàn gà, vịt bố mẹ đưa vào mô hình phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng, tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở đạt cao. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn khoảng 10% so với sản xuất đại trà trước đây.

Bà Hạnh cũng lưu ý, các đơn vị triển khai dự án cần chú trọng công tác thu nhận trứng ấp của các hộ tới hộ ấp nở để ấp trứng đạt tỷ lệ cao, và hỗ trợ cho người tham gia dự án các thông tin về thị trường và giá cả con giống. Đôn đốc các hộ thực hiện đúng quy trình và ghi chép cập nhật số liệu đầy đủ. Đề nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép mở rộng quy mô dự án, đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng lên của người dân, và có dự án khuyến khích các hộ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao kết quả của Dự án. Đề nghị chương trình khuyến nông nhân rộng hơn nữa và triển khai đạt hiệu quả tại các tỉnh phía Bắc, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Trên cơ sở đó nhân rộng tốt hơn, đặc biệt khai thác hiệu quả nguồn gen bản địa. Qua ý kiến của các đơn vị, đồng chí đề nghị cán bộ theo dõi mô hình trong tình hình hiện nay với thời điểm khí hậu khắc nghiệt, các đơn vị cần sát sao hơn nữa trong công tác triển khai mô hình đến bà con nông dân; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn gia súc, gia cầm nhằm giúp người chăn nuôi kỹ thuật gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn… bảo vệ tốt đàn gia cầm của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Trọng - PCT Cục Chăn nuôi - Bộ NN và PTNT phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, chiều ngày 18/11/2015, các đại biểu đã đi thăm mô hình nuôi vịt biển quy mô 1.000 con (thời gian nuôi 18 tháng từ tháng 3/2015 - tháng 8/2016) tại phường Mông Dương, Tp. Cẩm Phả; mô hình nuôi vịt biển, máy ấp trứng tại hộ ông Nguyễn Văn Thanh - Khu 6B, phường Hà Phong, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với công suất máy ấp 11.500 trứng/mẻ và máy nở công suất 3.000 trứng/mẻ (triển khai năm 2015). Qua đi thăm mô hình cho thấy, các hộ được chọn tham gia mô hình trình diễn đạt các tiêu chí đề ra, việc cấp phát vật tư cho bà con nông dân đúng tiến độ, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện, các hộ đều tuân thủ đúng quy trình nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Các hộ tham gia mô hình đã chuẩn bị chuồng trại tốt, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ.

Đàn vịt biển của hộ anh Nguyễn Văn Thanh - phường Hà Phong, Tp. Hạ Long

Các đại biểu thăm điểm đặt máy ấp trứng quy mô 11.500 quả (triển khai năm 2014) tại Tp. Cẩm Phả

 Hải Đường