Ngoài 9 mô hình thâm canh tổng hợp, năm 2015, dự án triển khai thêm 4 mô hình trồng thâm canh mía đường công nghiệp áp dụng các phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, tưới phun và tưới rãnh tại các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

Để đánh giá tình hình thực hiện, ngày 05/12/2015, Trung tâm KNQG tổ chức Hội thảo sơ kết mô hình tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa; Đại diện Trung tâm Khuyến nông và nông dân các tỉnh thực hiện mô hình. Ts Trần Văn Khởi - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo, đại biểu được tham quan mô hình áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel quy mô 5 ha tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Mô hình có chi phí đầu tư cao hơn đại trà, nhưng năng suất của mô hình đạt khoảng 95 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình ngoài mô hình khoảng 25 tấn/ha (tương đương 35,7%); hiệu quả kinh tế cao hơn 66,8%.

Báo cáo tại hội thảo, bà Vũ Thị Thủy - Phó trưởng phòng KN Trồng trọt Lâm nghiệp, Chủ nhiệm dự án cho biết, tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 25 triệu đồng/ha. Đến thời điểm tổng kết, cả 4 mô hình áp dụng các biện pháp tưới kết hợp với thâm canh mía đều cho năng suất 85 tấn đến 117 tấn/ha, cao hơn năng suất mía đại trà 20 đến 25 tấn/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn từ 41 – 67,7% so với đại trà. Mô hình đạt hiệu quả cao nhất là mô hình tưới rãnh tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cao hơn đến 67,7% so với diện tích mía không có tưới quanh vùng. Tuy đây là biện pháp tưới không tiết kiệm nhưng theo đánh giá đây là biện pháp tưới phù hợp và hiệu quả nhất với điều kiện cụ thể của địa phương trong tình hình hạn hán gay gắt, kéo dài trong vụ mía năm nay.

Chủ nhiệm dự án báo cáo tại hội thảo

Ông Lê Minh Hoàng - Phó chủ tịch UBND Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa khẳng định: mô hình thâm canh mía đường công nghiệp có tưới tại địa phương đạt hiệu quả rõ nét, hiệu quả kinh tế so với chi phí đầu tư cao, khả năng nhân rộng lớn. Mô hình đạt năng suất cao, sản phẩm mía có chữ đường cao(11-12%). Công ty Mía đường Lam Sơn thu mua với giá cao hơn so với đại trà đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng mía.

Tổng kết hội thảo, TS Trần Văn Khởi nhấn mạnh: Trồng thâm canh mía đường công nghiệp có tưới đạt hiệu quả cao, cần khuyến cáo nhân rộng, đặc biệt là trong tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài như những năm gần đây. Tuy nhiên tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương về địa hình, đất đai, khí hậu…, mà áp dụng phương pháp tưới hợp lý, hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề xuất, để nhân rộng mô hình, cần tiếp tục vận động nông dân dồn thửa đổi điền, tạo quỹ đất tập trung; tăng cường liên kết, hợp tác trong trồng, thâm canh cây mía đường công nghiệp có tưới.

Tham quan mô hình áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia