Hội nghị tổng kết Dự án ngày 22/12/2016 tại tỉnh Ninh Bình

Ở nước ta, nhu cầu thực phẩm chủ yếu vẫn là thịt lợn, do đó chăn nuôi lợn luôn chiếm vai trò chủ đạo trong việc cung cấp thịt cho tiêu dùng trong nước. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng về thịt lợn trong nước và hướng tới xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, việc triển khai tổng thể từ công tác giống, chọn lọc lợn đực giống tốt và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) để tăng năng suất lợn thịt là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Tuy nhiên, số lợn nái sinh sản được phối giống bằng kỹ thuật TTNT ở nước ta còn thấp. Nguồn lợn đực giống chủ yếu tận dụng từ đàn thương phẩm, tỷ lệ cận huyết cao. Người chăn nuôi cho phối trực tiếp dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; chất lượng đàn lợn thịt kém, chi phí chăn nuôi tăng cao do phải nuôi nhiều lợn đực giống mới đáp ứng được yêu cầu thụ tinh cho đàn nái.

Trước tình hình đó, nhằm nâng cao chất lượng giống bằng kỹ thuật TTNT, sử dụng tinh lợn đực giống ngoại hoặc lai chất lượng cao thay thế lợn đực giống không đảm bảo chất lượng trong nông hộ, tăng tỷ lệ nuôi sống, khối lượng sơ sinh và khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn con, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi; phát triển mạng lưới thú y cộng đồng (MLTYCĐ) nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi, Dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 893/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/4/2014.

Dự án được triển khai trong 3 năm 2014 - 2016, tại 19 tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Phước, Quảng Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đà Nẵng và Hà Tĩnh với quy mô 286 con lợn đực giống (gồm Duroc, Yorkshire, Landrace, Pietrain, Pidu...), tại 80 điểm trình diễn, 143 hộ chăn nuôi. Hiện nay, số lợn đực giống của dự án đã nhảy giá thành thạo và cho chất lượng tinh tốt với khoảng 19.000 lần khai thác. Hoạt lực tinh trùng đạt khoảng 82%, nồng độ tinh trùng đạt khoảng 255 triệu tinh trùng/ml. Số tinh lợn cấp miễn phí cho lợn nái trong mô hình đều đạt 25 nái/lợn đực. Trong 2 năm 2014, 2015 đã có trên 52.500 con lợn nái sinh con, năng suất đạt cao 10,7 - 10,8 con/lứa; tỷ lệ nuôi sống sau khi sinh đạt 94 - 95%, khối lượng lợn con khi cai sữa trung bình đạt khoảng 7,2 ­- 7,3 kg/con.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chủ nhiệm dự án cùng các đại biểu thăm khu nuôi úm lợn con tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Bên cạnh việc hỗ trợ lợn đực giống ngoại chất lượng tốt và chi phí thức ăn, trứng gà và vật tư phục vụ TTNT, dự án đã xây dựng được 80 MLTYCĐ, thành lập 54 tủ thuốc thú y cộng đồng có thuốc thú y dự phòng, tổ chức tiêm phòng và tiêu độc khử trùng định kỳ, hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép sổ theo dõi chăn nuôi. Các mô hình thuộc dự án có tỷ lệ đàn vật nuôi an toàn dịch bệnh cao, không có dịch bệnh xảy ra đối với các bệnh dự án hỗ trợ vắc-xin như tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, phó thương hàn, dịch tả lợn, tai xanh và lở mồm long móng.

Các đơn vị tham gia dự án đã phối hợp với UBND xã nơi triển khai dự án để thành lập MLTYCĐ. Mạng lưới lồng ghép các buổi họp dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền các kiến thức kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh đến các hộ tham gia mô hình và tổng hợp tình hình dịch bệnh, kết quả chăn nuôi lợn trong toàn xã. Thông qua MLTYCĐ người dân đã nắm bắt được quy trình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ, kiến thức sửa chữa, xây dựng chuồng trại, con giống, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, vệ sinh thú y và phòng trị bệnh cho lợn, cách sử dụng thức ăn hợp lý, duy trì việc ghi sổ theo dõi các hoạt động chăn nuôi.

Đã tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình với tổng số 160 lớp cho 320 lượt người; 80 cuộc tham quan, hội thảo cho 2.400 nông dân đến tham quan các mô hình tiêu biểu. Hoạt động thông tin tuyên truyền đã triển khai với 800 pa nô, 160 bài, tin và 22.750 tờ rơi được phát hành trên các tỉnh tham gia dự án.

Để có được kết quả trên, chủ nhiệm dự án – TS. Nguyễn Thị Liên Hương – PTP Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chú ý tới công tác chọn điểm, chọn hộ; công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền; tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào mô hình và đặc biệt là đã soạn thảo bản hướng dẫn triển khai dự án rất đầy đủ và chi tiết. Nhờ xác định công tác chọn điểm, chọn hộ đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành công và nhân rộng của dự án nên cơ quan chủ trì đã xây dựng tiêu chí chọn điểm, chọn hộ. Căn cứ vào bộ tiêu chí này, các đơn vị phối hợp triển khai đã rà soát cụ thể từng tiêu chí, các điểm xây dựng mô hình đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của địa phương, các hộ tham gia mô hình nuôi lợn đực giống có kinh nghiệm chăn nuôi, khai thác, quản lý lợn đực giống, có đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ công tác nuôi và khai thác tinh lợn, có nguồn nhân lực tốt, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp tinh lợn giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Công tác chọn hộ đảm bảo nguyên tắc đúng đối tượng và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ.

Theo hộ anh Lê Anh Tuấn, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cho biết, trước đây gia đình nuôi lợn đực để cho phối giống trực tiếp, nhưng chất lượng tinh không đảm bảo. Năng suất lợn nái sinh sản chỉ đạt 8 -­ 9 con/lứa. Được lựa chọn tham gia mô hình, với 2 lợn đực giống Duroc, khối lượng 100 kg/con, cho khai thác 3 ngày/lần, bình quân mỗi lần 10 -­ 12 liều tinh và 100% được sử dụng để TTNT cho đàn lợn nái của địa phương, bình quân 3 ­- 5 lợn nái/ngày. Lợn nái sinh sản đạt năng suất từ 10 ­- 13 con/lứa.

Anh Nguyễn Công Trung Nhận (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị

Trong Hội nghị tổng kết dự án ngày 22/12/2016 tại tỉnh Ninh Bình, anh Nguyễn Công Trung Nhận - hộ dân tham gia mô hình ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, so với trước đây, qua phối giống trực tiếp, lợn thịt xuất bán đạt trọng lượng 80 kg/con; trong 2 năm gần đây nhờ có lợn đực giống tốt và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, đàn lợn con sinh ra đồng đều, đẹp và khỏe mạnh, lợn thịt xuất bán đạt trọng lượng 100 - 110 kg/con với tỷ lệ thịt nạc cao, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, các hộ được trang bị kỹ thuật phát hiện lợn nái động dục và kỹ thuật phối giống đúng thời điểm để tỷ lệ thụ thai cao. Chính vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi nhận thức chuyển từ phối giống trực tiếp sang áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ được triển khai rộng rãi tới nhiều địa phương trong tỉnh.

Qua thăm mô hình tại hộ gia đình anh Lê Anh Tuấn, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cho thấy, các hộ tham gia mô hình được trang bị kiến thức về kỹ thuật nuôi dưỡng, quản lý, khai thác, pha chế, bảo quản tinh phục vụ TTNT cho lợn. Mô hình không chỉ giúp các hộ chăn nuôi trong xã mà còn lan tỏa đến các xã lân cận, được nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cải tạo và nâng cao chất lượng vật nuôi đồng thời việc xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường. Các hộ tham gia mô hình được nâng cao kiến thức xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, chú trọng công tác giống; sử dụng thức ăn, nước uống có kiểm soát; tiêm phòng vắc xin, vệ sinh thú y và phòng trị bệnh cho lợn, duy trì việc ghi sổ theo dõi các hoạt động chăn nuôi.

Các đại biểu tham quan khu chăn nuôi lợn tại hộ anh Lê Anh Tuấn - huyện Yên Khánh, Ninh Bình

Bà Hoàng Thị Tố Nga - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định cho biết, đàn lợn nái của tỉnh Nam Định được duy trì thường xuyên khoảng 114.000 con, nhưng chỉ 10% áp dụng kỹ thuật TTNT, còn lại là phối giống trực tiếp. Việc triển khai dự án đã góp phần nâng cao tỷ lệ TTNT cho đàn lợn nái, đồng thời xây dựng các mạng lưới thú y cộng đồng đã giúp người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn của tỉnh tăng từ 70 - 90%.  

Sau khi các đơn vị và các hộ chăn nuôi tham gia dự án báo cáo và thảo luận tại Hội nghị tổng kết dự án, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận, dự án đã đạt mục tiêu, nội dung và kết quả theo kế hoạch; đề nghị các đơn vị tham gia dự án hoàn thiện báo cáo tổng kết 3 năm, gửi về đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án. Giám đốc lưu ý các địa phương, duy trì tốt mạng lưới thú y cộng đồng nhằm giúp bà con nông dân chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

“Tốt nái thì tốt ổ, tốt đực tốt cả đàn”, xác định con đực giống đóng vai trò rất quan trọng, đây là một dự án mới trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Dự án có tác động xã hội và sức lan tỏa lớn trong công tác TTNT và nâng cao nhận thức người dân về phòng, phát hiện sớm, quản lý tốt, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi. Thành công của dự án sẽ góp phần tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và đảm bảo đàn lợn con khỏe mạnh, năng suất cao, được nhiều người chăn nuôi áp dụng, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm thực hiện dự án là cơ sở, tiền đề để nhân rộng mô hình dự án đến các địa phương khác trên cả nước.

Thanh Thúy