Tuy nhiên, với thực trạng của các vùng nguyên liệu sản xuất mía đường của nước ta áp dụng phương pháp tưới như thế nào là thích hợp cho từng vùng, khu vực sản xuất? Đầu tư tưới cho cây mía có thực sự đem lại hiệu quả kinh tế? Nên áp dụng tưới trong điều kiện cụ thể nào? Quy mô mô hình tưới?… là một bài toán không dễ giải trong việc triển khai thực hiện mô hình tưới cho cây mía đường công nghiệp ở các vùng nguyên liệu sản xuất mía đường công nghiệp.

Trong khuôn khổ dự án khuyến nông trung ương: “Xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì thực hiện, năm 2015 dự án đã tổ chức xây  dựng 4 mô hình Trồng thâm canh mía đường công nghiệp có tưới tại 4 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Quy mô 5 ha/mô hình/tỉnh, trên diện tích sản xuất thâm canh trồng mới năm thứ nhất (3 mô hình) và trên diện tích mía lưu gốc năm thứ nhất (1 mô hình).

Tại 4 mô hình, tùy điều kiện địa hình, cơ sở hạ tầng, khả năng đầu tư đối ứng của người dân trực tiếp tham gia mô hình và nguồn nước… để quyết định áp dụng một trong các biện pháp tưới có mức độ đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả: tưới nhỏ giọt qua đường ống nhựa lắp nổi trên mặt luống, tưới phun, tưới thấm hoặc tưới rãnh.  

Với mô hình tưới nhỏ giọt: Thực hiện tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đặt nổi, sử dụng hệ thống dây và van của Israel. Ưu điểm là dễ dàng tháo lắp di chuyển, dây và đường ống không bị phá hỏng khi cày bừa, vận hành...Mô hình đã áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật, canh tác tiên tiến, cây mía được tưới bổ sung ngay trong giai đoạn đầu nên cây đẻ nhánh tốt, cây con ngay trong giai đoạn đầu rất mập (đường kính gấp 1,2-1,5 lần so đại trà); giai đoạn vươn lóng, cây mía được cung cấp nước đầy đủ nên năng suất mía tăng lên đáng kể so với ngoài mô hình, ước đạt 95 - 100 tấn/ha (cao hơn mía trồng đại trà tại địa phương từ 25 - 30 tấn/ha).

Mô hình tưới nhỏ giọt cho mía tại Xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Với mô hình tưới thấm: Thực hiện tại xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Với địa hình tương đối bằng phẳng, nên áp dụng hình thức tưới phun bằng cách đưa đường ống nhựa cứng vào ruộng, đục lỗ dọc theo 2 bên ống để nước phun thấm trực tiếp vào gốc, dọc theo luống mía. Mô hình thực hiện trên diện tích trồng mới năm thứ nhất, năng suất ước đạt gần 90 tấn/ha, cao hơn sản xuất đại trà trên 20 tấn/ha.

Mô hình tưới phun cho mía tại xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Với mô hình tưới phun mưa: Thực hiện tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vào cuối tháng 6/2015, thực hiện bơm liên tục trong giai đoạn khô hạn từ tháng 6 -10/2015 và cũng là giai đoạn cây mía vươn lóng nên hiệu quả của tưới, thâm canh mía thể hiện rất rõ. Vụ mía năm 2015 gặp khô hạn, năng suất mía đại trà đạt thấp (80-85 tấn/ha), trong khi đó năng suất tại mô hình ước đạt xấp xỉ 120 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 25 - 30 tấn/ha, thu lãi tăng thêm từ mô hình cao hơn khoảng 12,5 triệu đồng/ha so với trước kia.

Mô hình tưới phun mưa cho mía tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Với mô hình tưới rãnh: Thực hiện tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An triển khai trên diện tích mía lưu gốc năm thứ 2. Hệ thống tưới vận hành vào cuối tháng 5/2015, đã khắc phục rất tốt hiện tượng khô hạn trong các tháng từ 5 - 10/2015, năng suất mía dự kiến đạt trên 88 tấn/ha (ngoài mô hình đạt khoảng 40 - 45 tấn/ha do vụ mía 2015 trên địa bàn bị hạn hán nghiêm trọng). Theo đánh giá của địa phương, đây là phương pháp tưới không tiết kiệm nhưng lại là cách tưới phù hợp và hiệu quả nhất đối với điều kiện cụ thể của địa phương.

Mô hình tưới rãnh cho mía thực hiện tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Ngoài việc áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất, thâm canh đồng bộ tại các mô hình tưới, một số địa phương áp dụng thâm canh bền vững, trồng xen các cây họ đậu (như mô hình ở xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa trồng xen lạc), đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế của mô hình.              

      Trồng xen lạc tại mô hình trồng thâm canh mía có tưới tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Sơn,          tỉnh Thanh Hóa

Qua một năm triển khai thực hiện, cho thấy tất cả các biện pháp tưới áp dụng ở 4 mô hình kết hợp với thâm canh mía đều đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình là mô hình tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thực hiện trên vụ mía lưu gốc năm thứ 2, áp dụng phương pháp tưới rãnh, hiệu quả kinh tế tăng 67,7% so với đại trà không thực hiện phương pháp tưới. Với mô hình tưới nhỏ giọt tại xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tăng 66,8% so với ngoài mô hình. Các biện pháp tưới phun mưa và tưới thấm, các địa phương đều đánh giá là phù hợp với điều kiện của địa phương và hiệu quả kinh tế đều tăng từ 42,8 - 49,5% so với đại trà.

Mô hình tưới cho mía kết hợp thâm canh bền vững đã nâng cao năng suất,  chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất (gia tăng về giá mía do mía trong mô hình có chữ đường cao, thu nhập thêm từ các cây trồng xen canh...) và khẳng định, người sản xuất không bị lỗ nếu đầu tư sản xuất hợp lý.  

Mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh mía, đặc biệt áp dụng sản xuất mía có tưới trong điều kiện cho phép (điều kiện về đất đai, địa hình, nguồn nước và điều kiện kinh tế). Qua mô hình, người dân nhận thức được sự cần thiết phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nói chung và sản xuất mía đường công nghiệp nói riêng. Xây dựng mô hình trồng thâm canh mía có tưới theo hướng sản xuất bền vững không chỉ góp phần cải tạo đất trồng mía mà còn làm gia tăng thu nhập trên một đơn vị sản xuất. Hợp tác sản xuất (mô hình tưới) giữa các hộ nông dân tham gia mô hình đã tạo sự liên kết sản xuất cộng đồng, tăng tình đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Mặc dù mô hình mới triển khai năm đầu tiên, nhưng người dân thực hiện mô hình cũng như các hộ trồng mía trong vùng đã nhận thấy rõ kết quả bước đầu. Tại hầu hết các mô hình đều được địa phương, bà con nông dân đánh giá cao và đề nghị được nhân rộng ra sản xuất. Ngay tại mô hình ở xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, một số hộ nông dân trong mô hình đã kết hợp thâm canh mía, đầu tư thêm vốn, mở rộng diện tích gấp 1,5 - 2,0 lần so với diện tích được hỗ trợ.

Vũ Thị Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia