Đây là hoạt động của dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP”

Toàn cảnh lớp tập huấn

Tham dự lớp tập huấn các học viên được phổ biến, truyền đạt kiến thức về nuôi thương phẩm cá tra theo VietGAP như: Lợi ích của việc nuôi cá tra thương phẩm theo VietGAP; Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai VietGAP theo Nghị định số 36 của Thủ tướng chính phủ; Giới thiệu và hướng dẫn về quy phạm thực hành NTTS tốt tại Việt Nam theo Quyết định số 4669/QĐ–BNN-TCTS ngày 28/10/2014 về Ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra; Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá tra thâm canh trong ao đạt chứng nhặn VietGAP.

Bên cạnh đó, các học viên có 01 ngày đi tham quan thực tế tại các mô hình trình diễn nuôi thương phẩm cá tra đạt chứng nhận VietGAP tại xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Sau thời gian nuôi 6 tháng cá của mô hình đạt kích cỡ trung bình từ 0,8-1,0 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất đạt trên 320 tấn/ha.

Tại điểm trình diễn, chủ mô hình giới thiệu cho lớp học toàn bộ kỹ thuật đã thực hiện và đánh giá sơ bộ hiệu quả thu được khi tham gia dự án áp dụng VietGAP.

Tham quan mô hình trình diễn nuôi thương phẩm cá tra đạt chứng nhận VietGAP

Kết thúc lớp tập huấn tất cả các học viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm nhằm đánh giá chất lượng, mức độ tiếp thu bài. Kết quả 100% học viên nắm được những kiến thức về kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP.

Lớp tập huấn cũng là cơ hội để các học viên giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm giữa các chuyên gia về VietGAP, các cán bộ, cộng tác viên khuyến nông, các chủ mô hình đến từ các địa phương ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Xuân Trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia