Hiện đại hóa tàu cá giúp tăng sản lượng khai thác, tăng thời gian bám biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân

Thanh Hoá là một tỉnh ven biển Bắc Trung bộ với 102 km bờ biển, 7 cửa lạch lớn nhỏ trong đó có 5 cửa lạch lớn là: lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới, lạch Ghép và lạch Bạng, đang được tập trung đầu tư xây dựng thành những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh. Diện tích vùng biển khoảng 23.000 km2, trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển khoảng 165.000 tấn,  trong đó vùng biển xa bờ 100.000 tấn, vùng biển ven bờ 65.000 tấn, kinh tế thuỷ sản của tỉnh ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Tổng số tàu cá khai thác hải sản trong toàn tỉnh tính đến tháng 12/2015 là 7.424 chiếc. Trong đó, số lượng tàu có công suất loại 90CV trở lên có 1.332 chiếc. Sản lượng khai thác năm 2015 ước đạt 94.168 tấn, bằng 107,9% so với cùng kỳ và bằng 102% so với kế hoạch. Tuy nhiên, việc ứng dụng trang thiết bị phục vụ khai thác hải sản còn nhiều hạn chế, toàn tỉnh đến nay mới chỉ có 388 máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), 265 tàu cá làm nghề lưới rê và vây đã sử dụng máy thu lưới trong quá trình sản xuất, đặc biệt mới có 16 tàu lưới vây bước đầu đã ứng dụng máy dò ngang sonar trong khai thác xa bờ, 6 tàu lắp thiết bị máy Radar, 8 tàu cải hoán, đóng mới hầm bảo quản bằng vật liệu PU. Với số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ ngày càng gia tăng, việc trang bị các thiết bị hàng hải rất cần thiết với ngư dân.

Vì vậy, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng mô hình hiện đại hoá đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ” trong đó Thanh Hoá là một trong các tỉnh được tham gia thực hiện mô hình “Lắp máy dò ngang Koden KDS -6000BB và radar hàng hải Furuno từ 48 hải lý trở lên” với mục tiêu từng bước hiện đại hóa trong nghề khai thác hải sản; khuyến khích ngư dân khai thác ở những ngư trường khơi xa, bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Mô hình được triển khai tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn với quy mô 3 tàu.

Sau 6 tháng triển khai, các chủ tàu đã tham gia được 9 chuyến biển với sản lượng khai thác đạt 369 tấn với tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận các chủ tàu thu được 830 triệu đồng. Trong buổi tổng kết mô hình, các chủ tàu đã trao đổi kinh nghiệm và kết quả của mô hình cho ngư dân trong tỉnh. Chủ tàu đã khẳng định việc ứng dụng máy dò ngang, radar trên tàu khai thác hải sản xa bờ là thiết bị không thể thiếu được khi khai thác trên biển, nó mang lại hiệu quả rõ rệt so với tàu chưa ứng dụng như: giảm được chi phí sản xuất từ 25-30% trong quá trình tìm kiếm ngư trường, tăng sản lượng khai thác >150% so với tàu chưa ứng dụng, tăng thời gian bám biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân về người và tài sản.

Mô hình thành công đã tạo được niềm tin và thay đổi nhận thức của ngư dân trong việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại như: máy Icom, máy dò ngang, máy radar... trong khai thác hải sản xa bờ và có sức lan tỏa lớn tới cộng đồng ngư dân ở các xã ven biển, nhằm khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển để bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia.

Hoàng Thị Thu Hằng 

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa