Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các nhà khoa học đầu ngành và cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống tham gia sản xuất lúa lai các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang và Thái Nguyên; các doanh nghiệp, Trung tâm nghiên cứu và bà con nông dân tham gia sản xuất lúa lai. Đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài truyền hình đã đến dự và đưa tin Hội nghị.

TS. Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm KNQG, Chủ nhiệm dự án phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2015 cả nước có 19 đơn vị tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1  với tổng diện tích 2.051 ha, tăng 17,3% so với năm 2014 (1.747,5 ha). Trong đó, diện tích thuộc dự án khuyến nông 920 ha, chiếm 47,2%. Trong vùng thực hiện dự án khuyến nông, năm 2015 có 13 đơn vị triển khai thực hiện dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1, gồm các Trung tâm giống Nông lâm nghiệp, giống cây trồng, các doanh nghiệp sản xuất giống trong và ngoài nước trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Cần Thơ và Hậu Giang. Vụ xuân tổ chức sản xuất 558 ha, vụ mùa 362 ha.

Tổng diện tích gieo cấy các tổ hợp lúa lai 3 dòng là 483 ha, chiếm 52,5% tổng diện tích sản xuất các tổ hợp lúa lai F1 sản xuất trong vùng dự án. Bên cạnh các tổ hợp lai 3 dòng đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất như Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, Nam ưu 604... Nhiều tổ hợp lai mới đã được đưa vào sản xuất với quy mô từ vài chục đến vài trăm ha/tổ hợp như: Bắc ưu 903, KBL, LC 25, HYT 108, CT16, HR182… Các tổ hợp 2 dòng có tổng diện tích 437 ha, chiếm 47,5% tổng diện tích thực hiện dự án. Các tổ hợp chủ lực là: TH3­-3, TH3-­4, TH3­-5, VL20, VL24. Bên cạnh đó, có một số tổ hợp mới cũng bước đầu được mở rộng như VL50, Phúc ưu 868…

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất hạt lúa lai F1 TH3-3 theo chuỗi khép kín tại cánh đồng xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Rút kinh nghiệm từ các vụ trước, việc sản xuất các tổ hợp lai 2 dòng có dòng mẹ bất dục mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS) trong vụ đông xuân đã giảm rất nhiều để hạn chế rủi ro về thời tiết. Các đơn vị đã xác định được vùng sản xuất các tổ hợp lai hệ 2 dòng tại Eakar, tỉnh Đắk Lắk trong vụ đông xuân nên đã tránh được rủi ro về tình trạng rét muộn ở phía Bắc, gây hữu dục đối với dòng mẹ, đạt năng suất hạt lai 3 ­- 3,5 tấn hạt khô/ha, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất hạt lai F1 của các tổ hợp lúa lai 2 dòng đang thời kỳ chín sữa và vào chắc, một số trà sớm tránh được đợt mưa trung tuần tháng 9 sẽ cho năng suất cao ước bình quân khoảng 3,2 - 3,5 tấn/ha. Các trà muộn hơn, gặp đợt nắng nóng bất thường đầu tháng 9 và đợt mưa lớn kéo dài liên tục thời điểm trỗ, phun GA3, năng suất kém, ước khoảng 2,6 - 2,8 tấn/ha. Năng suất bình quân ước 3,0 tấn/ha. Tổng sản lượng ước đạt 2.412 tấn.

Về kết quả thực hiện dự án duy trì nhân dòng bố, mẹ lúa lai F1, năm 2015 có 5 đơn vị tham gia thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Cần Thơ. Tổng diện tích duy trì nhân dòng bố mẹ là 58,7 ha, trong đó các tổ hợp 2 dòng (TGMS) 25,8 ha; các tổ hợp 3 dòng (CMS) 26,2 ha; các dòng bố (R) 6,7 ha. Năng suất các dòng bố, mẹ với hệ 2 dòng TGMS (các dòng mẹ: 2,5 tấn/ha, các dòng bố: 4,4 tấn/ha); hệ 3 dòng CMS (các dòng mẹ: 1,6 tấn/ha, các dòng bố: 4,4 tấn/ha). Sản lượng cả năm, các dòng mẹ đạt 108,4 tấn; các dòng bố đạt 31,1 tấn.

Có được kết quả trên chính là nhờ công tác rút kinh nghiệm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc bố trí thời vụ hợp lý cho từng tổ hợp tại mỗi địa phương, điều chỉnh khoảng cách phương thức cấy bố làm tăng lượng phấn; thực hiện lồng ghép, gắn kết kế hoạch 2 dự án “Duy trì và nhân dòng bố, mẹ” và “Phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống sản xuất trong nước” của từng đơn vị. Đặc biệt ngay từ đầu năm 2015, Dự án đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn về nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt F1 cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chủ chốt.

Qua đi thăm mô hình sản xuất hạt lúa lai F1 TH3­-3 theo chuỗi khép kín tại cánh đồng xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, quy mô 29 ha, do Công ty TNHH Cường Tân triển khai thực hiện cho thấy, mặc dù thời tiết của vụ mùa năm 2015 gặp nhiều điều kiện thời tiết bất thuận, không theo quy luật hàng năm, nhưng nhờ thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật, và công tác chỉ đạo sát sao, kịp thời nên diện tích sản xuất hạt giống lúa lai phát triển có độ trùng khớp cao, công tác phòng trừ sâu bệnh thực hiện tốt. Hiện, lúa đang thời kỳ chín sữa và vào chắc. Năng suất bình quân vụ mùa ước đạt từ 28 - 30 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ mô hình cho biết, sản xuất lúa lai đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều chi phí, công sức chăm bón, và phải thường xuyên giám sát dịch hại. Tham gia dự án từ năm 2012, gia đình ông cùng các hộ tham gia được các cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Cường Tân luôn túc trực tại ruộng để hướng dẫn hộ gia đình và bà con trong xã sản xuất. Theo ước tính của ông, sau khi trừ các chi phí vật tư, nhân công… sản xuất hạt lúa lai F1 lãi cao gấp 2 ­- 3 lần lúa thường.

Chủ nhiệm dự án cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trao đổi trực tiếp tại mô hình

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chuyên gia đầu ngành về chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, các tổ hợp lúa lai F1 là những giống lúa đã được nghiên cứu, chọn lọc kỹ, có ưu thế vượt trội về khả năng thích ứng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với khí hậu biến đổi khắc nghiệt như ở Việt Nam. Các giống lúa lai F1 sản xuất trong nước cho năng suất, hiệu quả canh tác cao hơn giống lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác. Bà khẳng định, lúa lai F1 sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Ông Đỗ Hải Điền - PGĐ Sở Nông nghiệp và ­PTNT tỉnh Nam Định cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty TNHH Cường Tân đầu tư sản xuất hạt lúa lai F1 tại tỉnh Nam Định tạo thế chủ động về nguồn cung giống lúa lai, tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Chất lượng của các giống lúa lai được tăng lên, nhiều tổ hợp lai có chất lượng gạo tốt được đưa vào phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, đơn vị tham gia thực hiện dự án chia sẻ, ngay từ đầu vụ, Công ty đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các xã, hợp tác xã có vùng sản xuất của đơn vị triển khai sản xuất. Năm 2015, diện tích tham gia dự án Khuyến nông Quốc gia là 300 ha (mỗi vụ 150 ha) với 51 chủ nhóm hộ nông dân. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm hơn đối với chương trình sản xuất lúa lai, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất thông qua các dự án đầu tư quy hoạch vùng sản xuất, dự án cơ giới hóa sản xuất hạt giống giảm công lao động cho nông dân, có chính sách bảo hiểm đối với sản xuất lúa lai F1.

Trao đổi về kết quả dự án, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chủ nhiệm dự án, cho biết, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tuy năm 2015 dự án triển khai trong điều kiện bất hòa của thời tiết khí hậu, nhưng các đơn vị đã làm chủ công nghệ, chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp nhất để đạt kết quả tốt. Tất cả các chỉ tiêu trong dự án đều đạt và vượt cao so với kế hoạch. Sản lượng năm 2015 ước đạt 6.000 tấn (tăng 17%) so với năm 2014, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sản xuất giống lúa lai trong nước, góp phần tạo cơ sở để phát triển bền vững ngành lúa lai Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao vai trò của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, hình thành mô hình chuyên canh liên kết, hợp tác, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và giá trị gia tăng cao hơn sản xuất lúa thương phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Hải Đường