Tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, đoàn kiểm tra đã dự buổi cấp phát vật tư hỗ trợ thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” lần 1 cho các hộ dân tham gia mô hình, và dự lớp tập huấn trong mô hình của dự án.

Đại diện các hộ tham gia mô hình ký, và nhận vật tư 

Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 885/QĐ- BNN- KHCN, ngày 29/4/2014. Dự án được triển khai trong 3 năm tại 11 tỉnh (Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Bình, Thái Nguyên và Thái Bình) với quy mô 2.924 bò vỗ béo. Qua 2 năm triển khai, mô hình được đánh giá cao, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế nông hộ, tạo hướng đi mới cho bà con nông dân các tỉnh.

Với mục tiêu giúp bà con nông dân thực hiện tốt công đoạn vỗ béo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc, nhằm chuyển từ chăn nuôi trâu bò quảng canh, phân tán sang chăn nuôi trâu bò thâm canh tạo hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” trên địa bàn tỉnh. Mô hình được triển khai từ tháng 4 ­- 8/2016.

Đoàn kiểm tra thăm mô hình "Vỗ béo bò thịt trong nông hộ" tại hộ ông Hà Văn Tuấn, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong quá trình triển khai dự án đơn vị luôn xác định công tác chọn điểm, chọn hộ đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành công và nhân rộng của dự án. Căn cứ vào tiêu chí chọn hộ, chọn điểm của chủ nhiệm dự án, đơn vị phối hợp triển khai đã rà soát cụ thể từng tiêu chí và bổ sung thêm các tiêu chí tại địa phương như ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới, gia đình chính sách... trên nguyên tắc đúng đối tượng và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ.

Tại buổi cấp phát vật tư, hộ bà Hà Văn Cừ, thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô mong muốn khi tham gia mô hình, đàn bò của gia đình sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, mô hình được nhân rộng đến các hộ lân cận góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.

Qua dự buổi cấp phát vật tư và đi thăm mô hình "Vỗ béo bò thịt trong nông hộ" tại hộ ông Hà Văn Tuấn, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô quy mô 7 con bò vỗ béo (triển khai từ tháng 4 - 8/2016). Trưởng đoàn kiểm tra và chủ nhiệm dự án có một số lưu ý đối với các chủ hộ tham gia mô hình như sau:

- Lớp tập huấn giúp bà con củng cố kiến thức và nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất.  

- Trong quá trình tham gia mô hình đề nghị các hộ tuân thủ đúng quy trình nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Chuẩn bị chuồng trại tốt, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ.

- Do hệ thống chuồng trại chăn nuôi của các hộ còn nhỏ lẻ, nên một số khâu trong quy trình chăn nuôi còn hạn chế. Đề nghị các chủ hộ phải ghi chép vào sổ nhật ký đầy đủ các thông tin như (ngày nhận thức ăn, số lượng thức ăn hằng ngày, mua thuốc sát trùng, ngày phun thuốc sát trùng, ngày tiêm chủng định kỳ... ) để làm căn cứ tính toán đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình.

- Khi có vấn đề xảy ra, chủ hộ cần kịp thời báo cáo với cán bộ khuyến nông để có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Các chủ hộ cần luôn có ý thức vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra đã đi thăm mô hình "Thâm canh cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP" tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, quy mô 5 ha, với 12 hộ tham gia mô hình, thời gian triển khai từ tháng 2 - 12/2016 do Trung ương Hội Làm vườn triển khai; và mô hình “Sản xuất kinh doanh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch quy mô 6,6 ha với 11 hộ tham gia do Hội Nông dân Việt Nam triển khai.

Qua thăm mô hình, đoàn kiểm tra đã lưu ý với 2 dự án như sau:

- Đối với mô hình “Thâm canh cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP”, đề nghị các chủ hộ tách biệt khu vực tham gia mô hình với khu vực ngoài mô hình,  thông tin nội dung cụ thể về mô hình trên biển báo, ghi chép vào sổ nhật ký đầy đủ các thông tin trong suốt quá trình tham gia mô hình (ngày cấp phát giống, ngày nhận vật tư, quy trình chăm sóc...).

- Đối với mô hình “Sản xuất kinh doanh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”, đề nghị chủ nhiệm dự án, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cần báo cáo ngay tình hình triển khai, những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trước ngày 29/5/2016.

Đoàn kiểm tra trao đổi với người dân xã Quang Sơn về dự án “Sản xuất kinh doanh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”

Thúy Hiên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia